Những bông hoa giữa đời thường

08/11/2017 07:01

​Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung, họ đều giống nhau ở tinh thần trách nhiệm, cần mẫn trong công việc, luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người. Họ là những bông hoa tô thắm cho cuộc đời thêm sắc, thêm hương.

Nữ Bí thư chi bộ 27 tuổi

18 tuổi, chị Y The ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) được dân làng tin tưởng bầu làm thôn trưởng. Sau 9 năm làm thủ lĩnh của thôn, với tinh thần trách nhiệm cao, chị Y The tiếp tục được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ thôn.

Y The luôn nỗ lực giúp đỡ mọi người. Ảnh: H.T

 

Nhớ lại những ngày đầu đảm nhận nhiệm vụ thôn trưởng, chị Y The bộc bạch: Tuổi trẻ, tiếp nhận công việc với nhiều khó khăn mình cũng lo lắm. Nhưng ý chí quyết tâm cao, mình cố gắng làm thật tốt để không phụ lòng tin của mọi người.

Suốt 8 năm làm thôn trưởng, Y The không phụ sự tin tưởng của dân làng. Chị nhiệt tình với từng công việc nhỏ của thôn. Chẳng kể nắng mưa, chị thường xuyên đi từng nhà vận động người dân chăm chỉ làm ăn, hướng dẫn giúp bà con cách làm chuồng trại, dự trữ thức ăn chăn nuôi trâu, bò... Trời trở rét, gió thổi vù vù, không ai muốn ra đường, Y The vẫn miệt mài gõ cửa, vận động người dân che chắn chuồng trại, tránh rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại.

Vài năm trước, thấy hiệu quả của cây cà phê xứ lạnh, nữ thôn trưởng vừa làm, vừa vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc cà phê. Là một trong những người thành lập, chị Y The luôn cố gắng duy trì hiệu quả của mô hình liên kết trồng cà phê xứ lạnh.

Không chỉ giúp người dân biết cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, để tạo ra phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, nữ thôn trưởng còn giúp bà con xây dựng, thành lập mô hình góp vốn xoay vòng, tiết kiệm và vốn vay thôn.

“Việc gì làm ban đầu cũng khó khăn cả nhưng mình không nản. Mình cùng chị em tiết kiệm từng ít một để tạo vốn phát triển kinh tế gia đình và giúp những người khó khăn khác” – chị The chia sẻ.

Không chỉ tìm cách tạo ra các hoạt động thiết thực giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, Y The còn đi tận nhà tuyên truyền, vận động bà con duy trì, phát triển đội cồng chiêng ở làng. Để mọi người tham gia, chị gương mẫu học đánh cồng chiêng.

“Mình là thành viên trong đội cồng chiêng của làng, của xã, cứ có lễ hội gì, mình lại cùng người dân đánh chiêng, đánh cồng, giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc” – Y The nói.

27 tuổi, chị Y The đã tạo lòng tin cho người dân từ những hành động thiết thực. Giờ đây, đứng trên cương vị là nữ Bí thư Chi bộ thôn, dù công việc thay đổi với những khó khăn mới, nhưng bản lĩnh, sự tự tin luôn giúp Y The vượt qua.

“Nhiều lúc việc làng, việc thôn chiếm rất nhiều thời gian nhưng mọi người đã tin tưởng thì mình luôn cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Hơn nữa, việc làm thôn trưởng, Bí thư Chi bộ cũng cho mình nhiều kinh nghiệm, dạn dĩ hơn, có niềm tin và luôn phấn đấu, nỗ lực để hoàn thiện bản thân”- chị Y The chia sẻ.

Cô giáo nửa đêm

Mọi người vẫn thường gọi cô Trần Thị Lâm – giáo viên mầm non Đội 2, Chi nhánh 716, Binh đoàn 15 là cô giáo nửa đêm. Bởi khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc cô Lâm bắt đầu công việc đón và giữ các cháu nhỏ để phụ huynh yên tâm lên lô cạo mủ.

7 năm nay, cứ 1h30 sáng, cô Lâm lại thức giấc, đến lớp giữ trẻ. Đi làm vào lúc giấc ngủ đang sâu nhất, ngon nhất, thoạt đầu chưa quen, cô Lâm cũng cảm thấy mệt mỏi. “Hồi đầu cũng nản lắm nhưng nghĩ đến các cháu, mình lại có động lực bám lớp” – cô Lâm nhớ lại.

Cô Lâm thương yêu, chăm lo, dạy dỗ các cháu tận tình. Ảnh: H.T

 

Ngày nào cũng vậy, cô Lâm luôn có mặt sớm hơn để đảm bảo việc đón trẻ, giúp phụ huynh yên tâm đi làm, lo cho đời sống gia đình. Nửa đêm trời lạnh lại bị đánh thức đến lớp, nhiều cháu cứ thế khóc ré.

“Thấy các cháu thương lắm, xót lắm! Mình đón vào, dỗ dành, vừa ru vừa đuổi muỗi để các cháu tiếp tục giấc ngủ”- cô Lâm tâm sự.

Như người mẹ thứ 2, cô Lâm tận tình, chu đáo lo cho các cháu từ bữa ăn đến giấc ngủ. Nhiều hôm có cháu đòi mẹ khóc, cô Lâm thức trắng đêm, nhẹ nhàng ru để các cháu yên giấc. Bởi vậy, dù đi làm sớm hay muộn, phụ huynh cũng yên tâm vì đã có cô Lâm ở trường.

Ngày nào cũng như ngày nào, cô Lâm đi làm từ nửa đêm đến 5h chiều, khi phụ huynh đón hết trẻ, cô mới an tâm về nhà.

“Tôi phải gửi con cho bà ngoại (ở Gia Lai) vì trên này không có thời gian chăm con. Nhiều lúc nghĩ cũng thương con nhưng các cháu nơi này cũng tội nghiệp, thôi thì hi sinh vậy” – cô Lâm nghẹn giọng.

Thương các cháu, muốn chia sẻ với phụ huynh, cô giáo trẻ luôn cố gắng làm tốt công việc. Làm việc bằng tình thương và trách nhiệm, chưa bao giờ cô Lâm phàn nàn hay kêu ca về những khó khăn, vất vả. Mỗi công việc đều có niềm vui. Với cô, được nhìn thấy các cháu ngủ ngon, học tốt là niềm hạnh phúc.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác