13/03/2022 06:18
24 năm về trước, thầy Tuấn là sinh viên mới ra trường, hăng hái thực hiện ước mơ “gieo chữ” nơi vùng cao và được phân công về dạy học tại xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei. Ngày đầu tiên vào xã Ngọc Linh trời lất phất mưa khiến bùn đất nhão nhoẹt bám những đôi giày, kéo bước chân thầy cô chùn xuống. Rồi nóc nhà đầu tiên cũng dần hiện ra, cả đoàn mừng rỡ vô cùng. Hôm ấy, có lẽ là bữa cơm ngon nhất, dù mệt rã, cả đoàn cùng chia nhau nồi cơm gạo “làng”, vài con cá khô nướng, bát canh chế từ mì tôm mà ấm lòng làm sao.
Hôm sau, thầy Tuấn cùng đoàn tranh thủ dậy sớm để tiếp tục hành trình đến điểm trường xã Ngọc Linh - ngôi trường đầu tiên giảng dạy khác xa những gì thầy Tuấn hình dung. Ngôi trường không cổng, chỉ có dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, tạm bợ. Nơi ở của giáo viên là căn phòng mái tranh, vách đất.
|
Những năm tháng gieo chữ, kỉ niệm đáng nhớ nhất của thầy Tuấn có lẽ là những lần cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, làng để vận động học sinh ra lớp, chứng kiến cuộc sống của các em, cả gia đình quây quần bên bếp lửa cùng nồi cơm độn củ mì và không ít câu chuyện rơi nước mắt của trò nghèo khi mùa đông giá rét.
Chính vì thương sự khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao, thầy luôn ân cần với học sinh, mang tấm lòng của một giáo viên để giúp các em biết con chữ, con số và từng phép tính.
Thầy Tuấn tâm sự: Trẻ em nơi đây chịu thiệt thòi nhiều thứ. Có nhiều em rất nhút nhát, chậm chạp nên tôi phải nhỏ nhẹ, hướng dẫn các em. Từ cách cầm bút đến cách viết, cách đọc, tôi đều nhẹ nhàng chỉ bảo. Các em học sinh nơi đây rất dễ tự ái. Hiểu tâm lý các em, tôi cũng như các thầy cô nói nhỏ nhẹ, khuyên nhủ các em. Theo đó, các em dần ngoan và làm theo, còn lớn tiếng là các em sẽ sợ và không đến lớp nữa.
Còn với những học sinh “cứng đầu”, thầy Tuấn không bao giờ dùng “biện pháp mạnh”, thầy sẽ trực tiếp đến nhà gặp phụ huynh nhắc nhở, kèm cặp con em trong việc học, sau đó sẽ “treo thưởng” cho những học sinh đi học đầy đủ trong tháng. Những món quà thầy Tuấn trao cho các em đơn giản là gói bánh, viên kẹo hay ít cân gạo, quần áo cũ để các em mang về nhà, nhưng khích lệ, động viên các em học tập và đi học chuyên cần hơn.
“Các bộ quần áo ấm mà tôi tặng cho học sinh chủ yếu là những thứ mà tôi vận động được từ những người bạn để giúp các em. Được nhìn các em học sinh đến trường trong bộ quần áo ấm là tôi vui lắm rồi” – thầy Tuấn bộc bạch.
Sau 10 năm công tác tại Trường Tiểu học xã Ngọc Linh, thầy Tuấn chuyển công tác với chức vụ là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Hoong, cách trường cũ khoảng 4km. Nơi đây, phụ huynh rất thương giáo viên, thấy giáo viên đến nhà như khách quý, cố níu chân giữ lại để mời ăn cơm nhà. Và rồi tình yêu của thầy đã đến từ những bữa cơm làm khách. Trong một lần chung mâm cơm, thầy Tuấn và cô giáo mầm non người địa phương đã phải lòng nhau. Không hoa, không quà cũng chẳng có lời tỏ tình nào được nói ra, tình yêu chân thành đã đến với thầy Tuấn từ cái nắm tay bên bếp lửa. Từ đó, thầy xem các xã vùng cao này như quê hương của mình.
Trong những năm tháng “gieo chữ”, dù ở cương vị nào, thầy Tuấn vẫn luôn là người thầy hết lòng vì học sinh vùng cao, luôn vượt qua khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Cô Y Hải – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết: Thầy Phạm Anh Tuấn là một người thầy rất tận tuỵ, nhiệt tình, chịu khó trong công việc, hết lòng với học sinh vùng cao. Khi giao nhiệm vụ nào, thầy luôn cố gắng hoàn thành thật tốt.
Cũng như thầy Tuấn, nhiều giáo viên nơi đây đã có nhiều năm cắm làng gieo chữ. Các thầy cô không ngại khó, ngại khổ và dồn hết tâm sức của mình để thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người”.
Văn Tùng