Người phụ nữ gắn bó với cây khổ qua rừng

09/03/2020 13:02

Từ chỗ buôn bán các loại cây dược liệu thô ban đầu để mưu sinh, nhất là mặt hàng cây khổ qua rừng - chị Lương Thị Mỹ Huệ ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) chuyển sang vừa thu mua vừa tự nghiên cứu các phương thức chế biến đa dạng sản phẩm từ cây dược liệu rừng này và cuối cùng là thành lập Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên.

Kể về quá trình gắn bó với cây khổ qua rừng, chị Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên chia sẻ: “Cách đây 5 năm, tôi làm việc ở 1 cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Đăk Tô. Sau 8 tiếng mỗi ngày ở nơi công tác, trở về nhà, tôi tranh thủ mua bán nhỏ lẻ các loại dược liệu rừng do bà con các địa phương vùng sâu, vùng xa đưa đến. Trong các loại cây thuốc quý ở rừng, không hiểu sao, tôi cứ quấn quanh với cây khổ qua, lúc thì lấy lá thật nhiều để chế biến ra các món canh giải nhiệt cho cả nhà. Lúc khác, cây khổ qua lại được tôi phơi, sấy khô, rửa sạch cất làm trà uống giải nhiệt, trị mất ngủ cho người thân.

Thế rồi thông qua internet, sách báo, tôi say mê nghiên cứu công dụng của cây khổ qua rừng và nhận biết nó rất quý, có giá trị kinh tế, dược liệu rất cao. Cụ thể, từ lá, ngọn, cho đến dây, quả của cây khổ qua rừng đều có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh cho con người như đái tháo đường, béo phì, mỡ máu, men gan cao, mất ngủ. Thấy nó có nhiều hữu dụng như thế, tôi đã chọn cây khổ qua rừng để khởi nghiệp”.

Chị Huệ đi thăm vườn cây khổ qua rừng trồng liên kết theo mô hình Vietgap ở nhà dân. Ảnh: TH

 

Say mê với cây dược liệu quý trên, người phụ nữ này đã bỏ ngang công việc nhà nước mà bao nhiêu người mơ ước, để tìm đến những người nông dân liên kết trồng cây khổ qua rừng, sau đó cho ra sản phẩm trà túi lọc của riêng mình. Đồng thời, chị tiến hành thành lập Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên để mua bán, chế biến một số dược liệu của Kon Tum như sâm dây, nấm linh chi…

Theo chị Huệ, từ năm 2018 trở về trước, qua thực tế kinh doanh và khảo sát thị trường tiêu dùng sản phẩm từ cây khổ qua rừng, cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế khá cao. Thế nhưng, chị lại trăn trở: “Làm thế nào để thương hiệu sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng của mình luôn song hành, phát triển bền lâu với người tiêu dùng?”.

Chị nói: Với suy nghĩ trên, tôi đã tự đặt ra yêu cầu nghiêm túc với sản phẩm sản xuất từ cây khổ qua rừng, đó là luôn ưu tiêu và ưu tiên cao nhất việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra túi lọc phải đạt tiêu chuẩn an toàn.

Sản phẩm trưng bày của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên. Ảnh: TH

 

Với  các ý tưởng trên, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên đã tìm hiểu, vận động 3 hộ dân ở thị trấn Đăk Tô trồng cây khổ qua rừng trên diện tích 1 ha. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết, toàn bộ sản phẩm người dân làm ra từ dây, lá, quả đều được doanh nghiệp thu mua.

“Ngay từ ban đầu, mình theo sát nông dân, hỗ trợ cho họ trồng đạt tiêu chuẩn và trong quá trình trồng mình cũng thường xuyên đem mẫu đi kiểm tra, kiểm định để kiểm soát chất lượng. Từ đó, đầu ra của nguyên liệu cây khổ qua rừng được chọn để làm sản phẩm trà túi lọc được đảm bảo an toàn, đạt các tiêu chuẩn theo quy định” - chị Huệ nói về tầm quan trọng của chuỗi liên kết tìm nguyên liệu sạch, an toàn.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở tổ dân phố 7 thị trấn Đăk Tô có liên kết với doanh nghiệp trồng 1 sào khổ qua rừng. Anh Tiến nhận xét: Tôi đã hợp tác cùng với chị Huệ được 2 năm để trồng cây dược liệu đáp ứng nguyên liệu ổn định cho sản xuất trà khổ qua túi lọc. Hiện tại, 1 sào khổ qua rừng mang lại cho gia đình khoảng 40 triệu đồng trong thời gian gần 4 tháng. So với trồng các loại rau, củ quả khác thì hiệu quả kinh tế từ cây khổ qua rừng khá cao, hơn nữa quá trình trồng cây khổ qua rất thuận lợi như dễ sinh trưởng phát triển, ít phải làm cỏ và không phải sử dụng nhiều phân bón như các loại cây trồng khác.

Tư vấn cho khách hàng về sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng. Ảnh: TH

 

Sau khi có nguồn nguyên liệu cung cấp đạt tiêu chuẩn dần đi vào ổn định, đến năm 2019, những sản phẩm trà túi lọc của Công ty bắt đầu xuất ra thị trường và đã có mặt ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng. Năm 2019, sản phẩm này của doanh nghiệp được đánh giá là 1 trong 17 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của tỉnh.

Chị Lương Thị Mỹ Huệ cho biết thêm: Hiện tại, Ban giám đốc đã chỉ đạo triển khai chiến dịch mở rộng quảng bá và bắt đầu đưa sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng “chen chân” vào các siêu thị lớn trong cả nước. Đồng thời, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ lắp đặt thêm máy móc và dây chuyền sản xuất sản phẩm các loại trà túi lọc khác từ các nguyên liệu dược liệu quý hiếm của Kon Tum.

Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ với sự phát triển của doanh nghiệp, bởi một khi doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thì nhiều nông dân trên địa bàn có thêm cơ hội liên kết sản xuất, vừa nâng cao năng suất, chất lượng vừa có đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thêm thu nhập.

Trần Hà

Chuyên mục khác