Người mong được “vác tù và hàng tổng”

27/12/2017 18:08

​Bao nhiêu năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông A Đưng - thôn phó thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum tâm niệm, mong muốn việc làm của mình sẽ giúp bà con dân làng có kinh tế ổn định, cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn.

Hướng dẫn bà con từ cách tiêu tiền…

Mấy ngày nay, nhiều hộ dân tại làng Kon Hra Chót vui mừng vì sắp được nhận tiền đền bù tại khu đất đang sản xuất. Vui cùng niềm vui của bà con nhưng thôn phó A Đưng vẫn chồng chất băn khoăn.

“Khu đất này nằm trong quy hoạch, có nhà được đền bù 500 triệu, có hộ được đền bù đến 1 tỷ đồng. Thấy mọi người chuẩn bị nhận tiền mà mình lo lắm, sợ lại xảy ra tình trạng nay tỷ phú, mai tái nghèo” - thôn phó A Đưng bày tỏ niềm lo lắng.

Thôn phó A Đưng đi hỏi han, chỉ bà con cách trồng rau đạt năng suất. Ảnh: H.T

 

Bà con nơi đây chủ yếu sống dựa vào nghề nông, trồng rau la ghim, ngày kiếm được trăm ngàn là nhiều. “Nay có tiền nhiều, chắc chắn sẽ có hộ không biết tính toán, chi tiêu, đua đòi, ăn nhậu… rồi thời gian ngắn sẽ sạch túi thôi” – A Đưng nói.

Lo cho việc sau này của bà con, A Đưng ăn không ngon, ngủ không yên. Đến nhà A Zúp – hộ được nhận đền bù hơn 500 triệu, A Đưng thủ thỉ bảo: Đừng tiêu pha hoang phí. Sử dụng tiền đó mua lấy một đám ruộng, đám rẫy nơi khác làm để có thu nhập cho gia đình. Nếu còn dư thì gửi ngân hàng cho chắc chắn chứ để ở nhà rồi cũng tiêu hết thôi.

A Zúp gật gật, bảo: Mình nghe theo A Đưng, khi có tiền sẽ mua đất trồng rau, trồng lúa hoặc chăn nuôi để tạo sinh kế mới cho gia đình.

Không chỉ sang nhà A Zúp, đi trên đường làng, gặp ai, A Đưng cũng chia sẻ, hướng dẫn bà con cách… tiêu tiền như thế nào cho hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế gia đình.

Trong tuần, A Đưng chỉ mong đến sáng thứ Hai để chào cờ, chia sẻ, dặn dò bà con phải sử dụng tiền tiết kiệm, tìm cách buôn bán để tiền đẻ ra tiền; tránh tiêu xài hoang phí.

Đâu chỉ lo người dân sử dụng tiền không hợp lý, sợ mấy công ty đa cấp dụ dỗ bà con, ngày ngày thôn phó A Đưng cứ nhắc mọi người phải cảnh giác, đề phòng, không mắc bẫy những lời ngon ngọt.

Đặc biệt, hễ thấy người lạ vào làng, A Đưng liền dò hỏi cặn kẽ, nếu thấy nghi ngờ, liền báo cho chính quyền địa phương.

Về phía mình, để làm gương cho mọi người, trước đây, khi nhận được tiền đền bù, thôn phó A Đưng liền mua 2 xe công nông, vừa để làm đất cho gia đình, vừa làm thuê kiếm sống.

“Sắp đến nhận tiền, mình tính sử dụng một ít làm ăn, số còn lại sẽ gửi ngân hàng. Không có đất phải để tiền đẻ ra tiền, nếu không sau này biết lấy gì mà sống” – A Đưng nói.

…đến làm kinh tế

Trước đây, Kon Hra Chót có gần 100% số hộ dân là người dân tộc thiểu số. Nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, quanh năm chỉ biết bám vào cây lúa, cây mì.

Những năm trước, thấy người Kinh vừa trồng rau để ăn, lại có thu nhập đều đặn từ trồng rau, A Đưng liền học theo và mách bà con cùng làm.

“Lúc đầu mình thử trồng 2 đám rau lang. Dân làng cười cợt, bảo: trồng nhiều vậy, ăn sao hết. Kệ người dân nói ra nói vào, mình bảo: rồi mình sẽ ăn hết” – A Đưng kể.

2 sào rau lang xanh tốt, mỗi ngày 2 buổi sáng, chiều, A Đưng hướng dẫn vợ con cắt, gùi ra chợ bán. Ngày nào gùi rau cũng hết sạch, đem lại thu nhập mỗi ngày.

Tiền rau bán được, A Đưng để dành mua gạo, mắm, muối, trang trải trong gia đình. Thấy thu nhập từ rau khá ổn định, ông liền mách nước cho bà con cùng làm. Từ chê bai, cười cợt, nhiều hộ dần theo A Đưng trồng rau.

Thoạt đầu do chưa biết cách, A Đưng cùng với nhiều người trong làng trồng dựa vào thời tiết. Sau này, tự mày mò, đi học từ nhiều người, A Đưng nhận ra rằng: dù trồng rau hay làm việc gì cũng phải làm chủ thiên nhiên.

Không trông đợi mưa, A Đưng tự đào giếng, lấy nước tưới khi trời khô hạn. Khi mưa, ông lại học cách chống ngập úng để vườn rau xanh mướt.

Làm thử, thấy hiệu quả, thôn phó liền hướng dẫn bà con cùng làm. Từ một nhà trồng rau, nhiều hộ vừa học từ A Đưng, vừa học từ người Kinh, cứ thế trồng rau phát triển kinh tế.

Rồi đâu chỉ trồng rau, cách đây 10 năm về trước, khi vận động người dân trồng mía, A Đưng gặp nhiều khó khăn khi họ nhất nhất gắn bó với cây lúa.

“Lúc đó dù cây mía cho thu nhập cao hơn trồng lúa nhưng bà con khăng khăng: dân làng ăn gạo chứ không ăn đường. Mình phải phân tích kĩ rằng: trồng mía, bán mía vừa mua được gạo, vừa dư tiền mua mắm muối… Nói đi nói lại nhiều lần, bà con mới chịu nghe theo. Thời đó, nhờ trồng mía, nhiều hộ gia đình mới mua được xe, làm được nhà” – A Đưng nhớ lại.

Cho đến nay, hễ trồng được cây gì, giống gì cho thu nhập cao, A Đưng đều mách với dân làng.

Và không chỉ thế, khi thấy trong làng có việc gì ảnh hưởng đến bà con, A Đưng liền tìm cách “kêu” để được xử lý thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho dân làng. 

Vui vì… vác tù và hàng tổng

Vừa là thôn phó, vừa là người uy tín, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, thành viên ban mặt trận làng Kon Hra Chót, đồng thời kiêm luôn chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn… nên hễ làng có việc gì, đều í ới gọi A Đưng.

Lần nào cũng vậy, hễ mọi người gọi, dù đang ở ngoài đồng, ngoài rẫy, hay nửa đêm, thôn phó A Đưng đều sắp xếp công việc, có mặt kịp thời, cùng bà con giải quyết.

A Đưng thường đi hỏi han, động viên bà con chăm chỉ làm ăn. Ảnh: H.T

 

Dù những công việc không tên ngốn khá nhiều thời gian, nhưng chưa một lần than thở, ngược lại, A Đưng luôn thấy hạnh phúc vì được “vác tù và hàng tổng”. Rồi không chỉ có làm theo nhiệm vụ từ cấp trên giao xuống, A Đưng chủ động đi vận động bà con xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh.

Cách đây khoảng 5 năm về trước, tại làng Kon Hra Chót, theo phong tục, người dân thường làm ma chay kéo dài 3-4 ngày. Không chỉ tổ chức dài ngày, gia chủ còn phải chiều theo ý dân làng, mổ bò, mổ heo trong ngày buồn của gia đình. Nhiều người dù nghèo, khổ nhưng vẫn phải kiếm tiền mua bò, mua heo theo tục lệ.

Thấy việc cúng kính vừa tốn kém cho gia chủ, vừa mất thời gian, thôn phó A Đưng liền cùng với mọi người đi vận động, xóa bỏ hủ tục. “Mới đầu, những người già phản đối, có người còn chửi, rủa mình. Bà con càng phản đối, mình càng từ từ phân tích, chỉ ra cho họ hiểu” – A Đưng chia sẻ.

Mưa dầm thấm lâu, thấy A Đưng nói có lý, bà con dần dần xóa bỏ hủ tục. “Bỏ hủ tục ma chay dài ngày, tốn kém, mình mừng trong bụng lắm. Nếu còn hủ tục đó, mấy gia đình đã nghèo lại còn nghèo thêm vì phải “chiều” theo lệ làng” – ông A Zúp nói.

Vận động bà con xóa bỏ hủ tục, A Đưng còn cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật giúp các thanh niên hư hỏng sống văn minh, sống đẹp.

Đặc biệt, A Đưng trở thành “khắc tinh” của những người nghiện rượu. Hễ thấy ai nhậu nhẹt, say xỉn tối ngày, A Đưng ân cần khuyên nhủ: Uống rượu ít thôi, lo làm ăn kiếm tiền cho các con mua quần áo, sách vở đến trường...

Trong những sáng chào cờ, A Đưng kể những câu chuyện vì rượu chè mà gia đình tan nát để người dân dần hiểu.

Rồi A Đưng cũng đi đầu trong “cuộc chiến” không sinh con thứ 3. Hàng ngày, ông vẫn “rót” vào tai người dân trong làng, nhất là những cặp vợ chồng trẻ chuyện sinh con nhiều sẽ khó nuôi dạy, là nguyên nhân chính để cái nghèo đeo bám.

Lúc đầu mọi người cho rằng, tránh thai là có tội, thôn phó A Đưng liền giải thích kĩ càng: “Tránh thai không có tội, có thai rồi phá mới là tội ác”. Thấy A Đưng nói có lý, dân làng dần dần nghe theo, sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp.

Hơn 12h trưa, trời nắng chang chang, dẫn chúng tôi đi khắp làng để hỏi chuyện và vận động nhưng thôn phó A Đưng không hề tỏ ra mệt mỏi. Ngược lại, trên gương mặt của ông rạng niềm vui.

Nói về công việc của mình, A Đưng bảo: Đâu phải ai cũng được dân làng tín nhiệm để “vác tù và hàng tổng” đâu. Mình mong được mọi người tin tưởng và sẽ cố gắng làm những công việc có ích cho xã hội, giúp mọi người sống văn minh.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác