Người hiến đất làm chợ, xây trường

26/10/2016 09:03

Không khó để tìm đến nhà ông Nguyễn Đăng Chính (thôn Măng Tôn, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) bởi bên cạnh sự "nổi tiếng" của chủ nhân thì căn nhà đó nằm sát quốc lộ 40, gần chợ Bờ Y.

Thấy có người đến nhà hỏi thăm chồng, bà Quách Thị Hường gọi với ra sau nhà kêu mấy đứa cháu nhỏ đi gọi ông Chính. Bà đon đả mời khách nước trà rồi cho biết, mấy ngày nay, ông Chính bận rộn hướng dẫn nhân công di dời xưởng cưa của gia đình và phụ với thợ xây đập dãy nhà đang ở kế bên để sắp tới cho xã mượn đất mở con đường mới dẫn vào chợ.

Lời kể của bà Hường khiến tôi càng tò mò hơn: Sao gia đình phải đập thêm cả một dãy nhà?

Ông Chính và gian nhà vừa bị đập phá để chuẩn bị mở đường mới dẫn vào chợ. Ảnh: T.Q

 

Ông Chính vừa bước vào nhà nghe thế, ra chiều vừa tiếc nuối nhưng cũng vừa cảm thông: Phải phá bỏ dãy nhà gồm 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, 1 gian bếp và công trình vệ sinh; rồi còn thuê nhân công mất cả mấy chục triệu đồng để đập nhà, di dời xưởng cưa đi nơi khác trong khi mọi thứ đang yên đang lành cũng tiếc lắm. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, không lẽ mình hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây chợ được mà có con đường dẫn vào chợ lại không giúp cho bà con ra vào buôn bán được hay sao…

Ông Chính cho biết, quê ông ở tận Thanh Hóa. Vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng, con cái dắt díu nhau vào Đăk Lăk tìm việc mưu sinh. Năm 2007, được một người quen giới thiệu, gia đình ông lên Bờ Y mua đất lập nghiệp. Ngày mới lên đây sinh sống, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn heo hút, thưa người qua lại, nhưng nhận thấy đất đai rộng nên gia đình ông đã quyết trụ lại mảnh đất vùng biên này để sinh cơ lập nghiệp.

Năm 2009, Cửa khẩu Bờ Y bắt đầu phát triển, kéo theo nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng cao. Ngày đó, vì chưa có chợ nên chị em phụ nữ trong vùng thường hay mang hàng hóa, nông sản buôn bán dọc hai bên đường. Để tạo mỹ quan cho khu vực qua lại cửa khẩu, Hội Phụ nữ xã đã kêu gọi người dân hiến đất để xây chợ. Nhận thấy đây là việc làm thiết thực nên vợ chồng ông Chính đã đồng ý hiến 2.400m2 đất của gia đình để xây chợ Bờ Y.

Ông Chính - người đã hiến 2.400 m2 đất xây chợ Bờ Y. Ảnh: T.Q

 

Ông Chính cho biết, ngày trước xây chợ xong, gia đình ông cùng một hộ dân khác cho xã mượn tạm thêm mấy trăm mét vuông đất mặt tiền để mở con đường dẫn vào chợ với thời gian đến năm 2017. Đến nay, thời gian cho mượn đất đã sắp hết, hộ dân kia lại đang có nhu cầu lấy lại đất để xây dựng nhà ở. Để thuận tiện cho việc giao thương mua bán tại chợ Bờ Y, gia đình ông tình nguyện cho xã mượn tạm thêm 9m đất mặt tiền của gia đình để mở một con đường khác vào chợ với thời gian cho mượn là 10 năm, kèm theo điều kiện “mở” là nếu sau này xã có quỹ đất nào khác bù lại thì gia đình ông sẽ hoán đổi để giúp bà con trong vùng yên tâm có chỗ mua bán.

Từ ngày có chợ, 31 hộ dân thôn Măng Tôn đã có chỗ buôn bán ổn định. Hiện tại, chợ xã Bờ Y không chỉ là nơi giao thương buôn bán của bà con nhân dân trong vùng mà cả với du khách nước bạn Lào, Campuchia mỗi khi có dịp sang Việt Nam.

Nhờ nghĩa cử cao đẹp của ông Chính, 31 tiểu thương đã có chỗ buôn bán tại chợ Bờ Y. Ảnh: T.Q

 

Không chỉ hiến đất để làm chợ, mới đây, ông Chính còn tình nguyện hiến  750m2 đất (chiều dài 150m, chiều rộng 5m) để mở con đường dẫn vào Trường THCS Bờ Y.

Dẫn chúng tôi tham quan mảnh vườn của gia đình đang trồng cà phê, tiêu và đủ loại cây ăn quả phía bên hông chợ Bờ Y, ông Chính cho biết, đây là vuông đất ông đã đồng ý hiến tặng cho chính quyền địa phương để mở đường dẫn vào trường học. Nếu con đường này được mở, học sinh 2 thôn trên địa bàn xã là Bắc Phong và Kon Khôn không phải đi học đường vòng, rút ngắn được thời gian đến trường.

Mặc dù vuông đất hiến tặng và cho chính quyền địa phương mượn để xây trường, làm chợ được đánh giá là “đất vàng” ở xã Bờ Y nhưng ông Chính không hề hối tiếc mà luôn suy nghĩ đó là việc bản thân nên làm để giúp xã biên giới ngày một khởi sắc hơn.

Ông Chính khiêm tốn chia sẻ: “Trước khó khăn về ngân sách, mỗi người dân không nên trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhất là hiện nay, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân cần phải nâng cao nhận thức, chung tay góp sức cùng với địa phương xây dựng mảnh đất vùng biên ngày một phát triển”. 

Tú Quyên

Chuyên mục khác