Người giữ nghề dệt ở thôn Nông Kon

13/08/2024 13:30

Dù tuổi đã cao và đôi tay không còn linh hoạt, dẻo dai như lúc trẻ, nhưng bà Y Viên (sinh năm 1943, người Gié- Triêng) ở thôn Nông Kon (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) vẫn duy trì dệt thổ cẩm như một đam mê với mong muốn gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Gié- Triêng.

Bà Y Viên biết dệt từ năm 13 tuổi. Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn, bà kiên trì ngồi bên mẹ để học cách dệt. “Hồi đó, tôi mê dệt tới nỗi không chịu đi ngủ. Mẹ tôi bảo, phải lớn thêm vài tuổi nữa, mẹ sẽ dạy cho, nhưng tôi đã không đợi được cứ năn nỉ mãi. Thế là mẹ đồng ý dạy. Tôi học dệt rất nhanh. Lên 14 tuổi, tôi đã có thể tự dệt những tấm thổ cẩm có hoa văn đơn giản” - bà Y Viên bộc bạch.

Khi lập gia đình riêng, bà Y Viên vẫn gắn bó với nghề dệt. Bà cùng với chị em trong làng trồng bông trên những mảnh vườn rộng sau nhà để lấy bông kéo sợi. Rồi họ cùng nhau lên rừng tìm vỏ cây, lá rừng về nhuộm màu cho sợi vải. Ngày đó, ở thôn Nông Kon nhiều người cho rằng dệt không phải là nghề. Bởi dệt không thể đủ gạo ăn. Nhưng với bà Y Viên, nghề dệt vừa có thể giúp bà trang trải cuộc sống vừa để giữ gìn đam mê. Ngoài giờ lên rẫy, thời gian còn lại, bà dành để ngồi bên khung cửi. Bà tin rằng, khi dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp, mọi người sẽ tìm mua. Dần dần, sản phẩm dệt thủ công mộc mạc và giản dị của bà Y Viên đã chinh phục được người dân trong và ngoài thôn. Mỗi tháng, bà có thể bán một vài sản phẩm.

Bà Y Viên chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Ảnh: TH

 

Theo bà Y Viên, công đoạn khó nhất khi dệt thổ cẩm là mắc cửi, lên khung, sỏ khổ, lắp ghép các bộ phận của khung cửi. Các công đoạn phải thực hiện đúng trình tự, có như vậy thì quá trình dệt mới không bị rối, sản phẩm khi hoàn thiện mới đều màu, mịn màng, đúng như ý đồ của người dệt.

Cũng theo bà Y Viên, nghề dệt thổ cẩm của mỗi dân tộc khác nhau chủ yếu về họa tiết, hoa văn và màu sắc. Với đồng bào Gié- Triêng, các họa tiết hoa văn được phối trên nền màu đen là chủ đạo với các họa tiết kết hợp giữa màu đỏ, trắng và vàng, tạo nên phong cách riêng. Muốn dệt được hoa văn, người dệt phải hình dung rõ từng loại hoa văn và thể hiện nó qua việc bắt chỉ. Một tấm thổ cẩm có giá trị, ngoài sợi chỉ mịn màng, còn phải kể đến các hoa văn có sắc nét, cân đối, hài hòa hay không.

Chia sẻ cách để dệt một tấm thổ cẩm đẹp, bà Y Viên cho hay: Ngoài sự tỉ mỉ, cần cù thì người dệt phải am hiểu về truyền thống của dân tộc mình thì sản phẩm dệt mới giữ được nét truyền thống nhưng không lỗi thời.

“Trước đây, nguyên liệu để dệt thổ cẩm là sợi bông. Để phù hợp với yêu cầu của khách hàng và rút ngắn thời gian dệt, tôi sử dụng sợi chỉ và len làm nguyên liệu. Dệt từ nguyên liệu này, sản phẩm khi hoàn thành rất mềm, độ bền cao hơn so với bông" - bà Y Viên nói thêm.

Bà Y Viên dệt thổ cẩm. Ảnh: T.H

 

Trung bình phải mất từ 6-10 ngày bà Y Viên mới hoàn thiện một bộ đồ thổ cẩm, bán với giá từ 1-1,5 triệu đồng/bộ. Nhờ tay nghề cao nên các trang phục thổ cẩm của bà Y Viên được mọi người yêu thích và đặt mua thường xuyên. Theo mọi người trong thôn đánh giá, các trang phục của bà Y Viên có chất lượng tốt, các họa tiết hoa văn được chăm chút tỉ mỉ và rất đẹp.

Là người có kinh nghiệm, tay nghề cao trong dệt thổ cẩm, bà Y Viên dành nhiều thời gian truyền dạy cho người trẻ trong làng. Bà còn thường xuyên được mời đứng lớp truyền dạy trong các lớp dạy nghề truyền thống tại địa phương.

“Mỗi khi có cơ hội truyền dạy cho lớp trẻ, tôi đều cố gắng mang hết những kinh nghiệm của mình truyền lại. Tôi cũng luôn phân tích những cái hay, những nét đặc sắc của thổ cẩm để lũ trẻ hiểu và căn dặn chúng phải có trách nhiệm lưu giữ nét đẹp văn hóa này. Để gìn giữ và phát huy nghề dệt, rất mong chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích việc học và truyền dạy để nghề dệt mãi trường tồn” - bà Y Viên bày tỏ.

Ông Hiêng Lăng Thắng - Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho hay: Ở thôn Nông Kon, bà Y Viên là người tâm huyết, nỗ lực giữ gìn nghề dệt và thường xuyên truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Để giữ gìn và phát huy nghề dệt, hàng năm địa phương đều tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống để họ tích cực hơn trong việc tham gia bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.

THU HIỀN

Chuyên mục khác