29/08/2016 13:57
Thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bộ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và hơn 10 năm là Bộ đội Biên phòng đã làm nên “chất lính” trong con người ông Đặng Quốc Cảnh ở thôn 1, thị trấn Sa Thầy. Nỗ lực vượt khó với tinh thần “Còn sức còn làm việc”, bệnh binh Đặng Quốc Cảnh đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, cá nhân điển hình tiên tiến ở địa phương. Ông vinh dự được chọn tham dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016.
|
Chia tay đồng đội, trở về địa phương vào năm 1990, ông Đặng Quốc Cảnh thực sự chưa hình dung hết những khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường ở địa bàn tiếng là thị trấn, nhưng vẫn đậm chất nông thôn nghèo.
Ngày ấy, đất nước đã qua thời bao cấp, công cuộc đổi mới bắt đầu bén rễ, nhưng sản xuất và sinh hoạt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh còn gò bó, chưa thực sự được bung ra. Nung nấu dự định, ông Cảnh quyết tâm dấn thân vào sản xuất nông nghiệp.
Ban đầu, ít vốn, phải dành dụm mãi từ phụ cấp bệnh binh của bản thân và tiền lương nhân viên y tế ít ỏi của vợ, ông Cảnh mới sang nhượng được 2ha đất đồi. Ngày ấy, mì là cây trồng chính của bà con nông dân Sa Thầy. Không chỉ để giảm nghèo, cây mì còn giúp nhiều hộ làm giàu nhờ diện tích lớn, năng suất các giống cao sản khá cao.
Trong khi phần đông bà con vẫn chỉ phát triển trồng mì theo kiểu tận canh, tận thu, ông Cảnh đã nghĩ đến việc cải tạo đất và tăng năng suất, thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ông chủ động trồng xen vào rẫy mì các loại cây họ đậu, như đậu xanh, đậu đen, đậu phộng.
Thu nhập ổn định từ 2ha mì, dần dà, ông vừa khai hoang, vừa sang nhượng thêm đất sản xuất. Đến nay, gia đình người bệnh binh mất 75% sức lao động Đặng Quốc Cảnh đã làm chủ 13ha đất đồi đất rẫy. Từ nguồn vốn tích cóp, đồng thời mạnh dạn vay ngân hàng, qua nhiều đợt, mỗi đợt trên dưới 10 triệu đồng, ông lần lượt trồng 7ha cao su và 3ha bời lời. Cao su cho thu hoạch từ năm 2008. Năm 2010, bời lời cũng được cạo vỏ để bán. Thời kỳ cao su được giá, mỗi năm, gia đình ông Cảnh thu nhập từ cao su và các loại cây trồng, vật nuôi khác, bình quân từ 600 triệu đồng đến 700 triệu đồng. Mấy năm gần đây, nông sản rớt giá, ông khai thác cầm chừng để tiếp tục dưỡng cây, giữ vườn, chờ qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, để bù vào khoảng trống hụt giá cao su, ông đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi heo, bò, gà, vịt. Nhờ đó, thu nhập hàng năm cơ bản vẫn được duy trì ở mức cao.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Đặng Quốc Cảnh còn được chính quyền địa phương và bà con tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy gần 2 nhiệm kỳ. Năm 2000, ông chuyển sang làm Chủ tịch Hội CCB huyện và vững vàng trong cương vị công tác cũng trong suốt hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 2010, công tác hội được ông chuyển giao cho các đồng chí lãnh đạo mới.
Đã có bát ăn bát để, con cái đều trưởng thành, lẽ ra, đã có thể nghỉ ngơi, nhưng ở tuổi ngoài 60, hiện giờ, ông Cảnh vẫn hăng say lao động. Trong điều kiện giá nông sản sụt giảm, ông chủ động chuyển sang chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng sản xuất an toàn, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, tạo nạc.
Khiêm tốn, giản dị, ông Đặng Quốc Cảnh được các cựu chiến binh và bà con tin yêu, ngưỡng mộ, học tập. Ông tự hào vì sau 25 năm trở về địa phương, luôn giữ gìn phẩm chất của người lính nhiệt tình tham gia công tác xã hội và gương mẫu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Trải qua bao vất vả và nỗ lực, phấn đấu, ông vui và tự hào vì cả ba người con đều tốt nghiệp đại học và trên đại học, có công việc và cuộc sống ổn định, triển vọng.
Thanh Như