22/12/2014 09:16
Quán cà phê nhỏ mang tên “Vườn Thu” nằm ở góc phố Lê Hồng Phong- Bạch Đằng (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) cũng chính là “nền tảng” để chị Nguyễn Thị Thu thực hiện những việc làm thiện nguyện của mình. Vốn giàu lòng thương người, từ nhiều năm nay, chị Thu đã thường xuyên giúp đỡ những trường hợp khó khăn, người già neo đơn, bệnh tật hay trẻ em lang thang…
|
Nhắc đến những việc làm thiện nguyện của chị Thu, chị Nguyễn Thị Kim Cương - một tiểu thương ở Trung tâm thương mại Kon Tum kể: Một ngày tháng 10/2014, bà Bốn gánh nước thuê hàng chục năm nay tại Trung tâm thương mại Kon Tum bị ngã gãy chân, có người chạy đến tìm chị Thu: Thu ơi coi giúp bà cụ đi, tuổi già sức khỏe yếu vừa bị ngã gãy chân, bây giờ không còn biết nương tựa vào ai… Chỉ nghe thế, chị Thu tức tốc bỏ lại công việc bán buôn, chạy ra chợ xem sự thể thế nào và sau đó quyết định làm hết sức mình để giúp đỡ bà Bốn qua cơn khốn khó.
Bà Bốn không nhà cửa, không con cái, không người thân thích, bây giờ sống sao đây khi chân bị gãy dập? Thấy cảnh này mình không cầm lòng được - chị Thu tâm sự. Hơn nửa tháng trời, chị Thu chăm sóc bà Bốn, hằng ngày tắm rửa, gội đầu, mua áo quần mới cho bà cụ; chở bà đi khám, chữa vết thương tại cơ sở y tế… như chăm người thân của mình. Khi thấy sức khỏe bà cụ có tiến triển tốt, chị Thu đã liên hệ với Trung tâm xã hội để đón bà cụ vào chăm sóc vì chị nghĩ không thể để bà cụ cứ sống ở ngoài, đi gánh nước thuê mãi được. Dù phải làm nhiều giấy tờ thủ tục khá vất vả, bởi bà Bốn quê tận Quảng Ngãi, nhưng cuối cùng nguyện vọng của chị đã được đáp ứng. Hiện nay bà cụ đã vào sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, hàng tháng chị vẫn đều đặn gửi 600 ngàn cho bà cụ.
Chị tâm sự: Đã thực hiện nhiều chuyến đi tặng quà ở các xã vùng sâu vùng xa, nhưng chuyến đi đầu tháng 11/2014 tới xã Hiếu, huyện Kon Plông là chuyến đi “nhớ đời” nhất của mình. Do đường xa, nhiều đèo lắm dốc, lái xe chưa quen, khi tới xã, đồng hồ đã chỉ 9h đêm. Chị cùng các thành viên trong đoàn hì hục “bốc” cả tấn hàng từ xe ô tô vào trụ sở UBND xã Hiếu, khi hoàn thành công việc về tới nhà đã là 2h sáng của ngày hôm sau.
Lời lãi từ quán cà phê nhỏ dành dụm, tích cóp chẳng thấm vào đâu so với chi phí mua quà cho những chuyến đi, chị vận động thêm bạn bè trên địa bàn thành phố Kon Tum. Chị học cách lập Zalo đăng tải thông tin với mong muốn khi đọc được ý nghĩ và thông tin về những hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ, bạn bè gần xa trong tỉnh và trên cả nước sẽ giúp đỡ, hỗ trợ. Kết quả là chị đã kết nối được với nhiều tấm lòng thiện nguyện khác.
Người đồng hành với chị Thu mà chúng tôi gặp là chị Vân - ngụ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - cho biết: Nghe tin chị Thu thường xuyên có những chuyến về vùng sâu giúp đỡ người nghèo, em “gom” nhiều đồ áo quần mới của mẹ đang bày bán để đưa qua Kon Tum, cùng chị Thu đi giúp đỡ bà con xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông.
Chị Thu rủ tôi tham gia một chuyến đi với chị. Gần thôi - chị thông báo. Tôi sốt sắng nhận lời. Chiều muộn, khi ông mặt trời khuất sau những bóng cây dừa thuộc Trại phong Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, nhóm thiện nguyện của chị Thu lục tục chở “quà” qua, nào là bún riêu cua, bánh hỏi, bánh mì thịt… để tặng cho các bệnh nhân phong đang điều trị ở đây. Bà Y Kía cảm động nói: Cảm ơn mấy cháu. Mỗi lần tới đây đều có những phần quà tặng mọi người. Ai ai cũng vui!
Dù vất vả nhưng thấy mọi người khen có bữa ăn ngon thì mình hết mệt à- chị Thu mãn nguyện. Đang trò chuyện với tôi, chuông điện thoại của chị reo vang, chị ra ký hiệu với tôi để xin phép ngừng câu chuyện đang nói dở dang. Chị bảo: Bữa nay mấy chị trong nhóm kêu qua chợ để lấy thức ăn, luôn thể mua thêm một số đồ ăn nữa để mang lên bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hẹn anh dịp khác vậy.
Tôi đành phải gác lại buổi trò chuyện, hẹn dịp khác...
Trần Kim Sơn