Miệt mài “gieo chữ” ở Ngọc Linh

16/11/2022 06:01

Những năm qua, biết bao thế hệ thầy cô giáo chọn vùng đất Đăk Glei- nơi còn nhiều khó khăn, gian khổ để theo đuổi sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Trong chuyến công tác về với xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) chúng tôi được trò chuyện với cô giáo Bùi Thị Trắc- người đã có 13 năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh và được nghe cô kể về duyên gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở xã vùng xa này.

“Năm 2010, chuyến xe do UBND huyện Đăk Glei hỗ trợ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đưa chúng tôi- 10 thầy cô giáo trẻ mới ra trường về xã Ngọc Linh để nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh. Mới đó mà đã thấm thoát 13 năm công tác, hầu hết các thầy cô vẫn tiếp tục gắn bó với mảnh đất Đăk Glei, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục của huyện”- cô Bùi Thị Trắc bồi hồi nhớ lại.

Cô giáo Bùi Thị Trắc trên lớp học. Ảnh: T.L

 

Sau khi tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, năm 2010, cô Bùi Thị Trắc nộp hồ sơ xin việc tại huyện Đăk Glei và được phân công về dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh. Ngày đầu đặt chân đến xã Ngọc Linh cô nhận ra điều kiện cuộc sống ở nơi đây khác xa với tưởng tượng của mình. Cuộc sống của người dân còn quá nhiều khó khăn, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm, nhà cửa còn tạm bợ. Những ngày đó, nhiệm vụ chính của các thầy cô giáo là cùng với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động ở tất cả các hộ gia đình để đưa học sinh ra lớp. Tại các thôn, những lớp học bằng ván gỗ được dựng lên để thầy cô dạy học.

Cô giáo Bùi Thị Trắc tâm sự: “Ngày đó, các giáo viên ăn ở và sinh hoạt trong các căn nhà đơn sơ tại trung tâm xã Ngọc Linh. Từ xã đến điểm trường thôn phải đi bộ mất 1-2 giờ, đường trơn nên thầy cô bị ngã là việc bình thường. Một số thôn ở xa thì giáo viên ở lại điểm trường, cuối tuần mới về xã. Trên lớp, học sinh thiếu áo ấm để mặc, một số em còn không có cả dép để đi. Buổi trưa của các em chỉ có cơm trắng với rau rừng, không có cá, thịt như bây giờ. Hoàn cảnh gia đình của các em như vậy nên thầy cô giáo chúng tôi rất thương học sinh, hàng ngày cố gắng giảng dạy, truyền đạt cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản”.

13 năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh để lại trong cô Trắc rất nhiều kỷ niệm. Niềm vui lớn nhất của cô chính là được các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, yêu thương.

“Thấy tôi vất vả dạy dỗ các em nên phụ huynh rất quý, thường hay mời đến nhà chơi, có khi tặng quả bí, nắm rau rừng. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm gắn bó với mảnh đất này”- cô giáo Bùi Thị Trắc cho biết thêm.

Lớp học tại xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei. Ảnh: TL

 

Trong đợt vào công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh năm 2010 với cô Bùi Thị Trắc còn có thầy giáo Đinh Kim Đồng, hiện đang là giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Đăk Choong.

Thầy giáo Đinh Kim Đồng cho biết: “Tôi công tác ở xã Ngọc Linh được 6 năm. Trong những ngày ở xã Ngọc Linh, tất cả các anh em giáo viên đều còn rất trẻ, hành trang khi đó chính là sự tâm huyết, nhiệt tình và không ngại khó, ngại khổ. Anh em giáo viên chúng tôi luôn chia sẻ mọi buồn vui, khó khăn trong cuộc sống, động viên nhau vượt qua gian khổ, nỗ lực công tác. Những ngày tháng vất vả đó để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và rèn cho tôi tình yêu nghề, nghị lực vượt qua khó khăn. Bản thân tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, không bao giờ sợ đối mặt với những khó khăn, gian khổ nữa”.

Đến nay, 10 thầy cô giáo trẻ năm ấy vào công tác Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề, tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người. Trong đó, có 9 thầy cô đang giảng dạy tại các trường học của huyện Đăk Glei.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Ngân- giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Đăk Choong chia sẻ: Tôi dạy học tại xã Ngọc Linh từ năm 2010 đến năm 2018, đó là thời gian để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Mong muốn lớn nhất của tôi là được dạy dỗ, giáo dục thêm nhiều thế hệ học sinh, tạo hành trang kiến thức vững chắc để chắp cánh cho những ước mơ của các em trở thành hiện thực”.

Chỉ có tình yêu nghề, hết lòng với học sinh thì mới có thể giúp các thầy cô giáo vượt qua mọi trở ngại, đưa con chữ đến với học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Câu chuyện “dành cả tuổi thanh xuân” để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của các thầy cô về công tác Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ngọc Linh cách đây 13 năm và của rất nhiều thầy cô giáo khác đang miệt mài với sự nghiệp “gieo chữ” nơi vùng sâu đã tạo cảm hứng để các giáo viên sau này học tập, noi gương.

Tấn Lộc

Chuyên mục khác