Lớp học của cô giáo khuyết tật

22/08/2016 13:17

Từ lực học yếu, dưới sự tận tâm chỉ dạy của chị Y Tiên, các em học sinh nghèo, mồ côi ở làng Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đã vươn lên trở thành những học sinh giỏi. Với các em, chị Y Tiên vừa là một người bạn, một người chị và cũng chính là “người mẹ thứ 2” của mình.

Lớp học đặc biệt

Đến Đăk Rao Lớn, tiếng giảng bài văng vẳng trong căn nhà nhỏ nép bên đường như thu hút mọi sự chú ý. Ghé vào trong, trước mắt chúng tôi, 28 em nhỏ đang lót dép ngồi ngay ngắn trên nền đất, cặm cụi ghi ghi chép chép vào những cuốn vở đặt trên chiếc ghế nhựa nhỏ; cô giáo người nhỏ thó, đứng giảng bài bên một chiếc bảng đen được gắn tạm bợ trên vách tường đan bằng tre nứa.

Chị Y Tiên nhiệt tình truyền đạt kiến thức cho các em. Ảnh: H.T

 

“Mình là Y Tiên, đang dạy các em ở đây. Bạn muốn tìm ai?”, ngưng giảng bài, cô giáo trẻ lên tiếng. Nói rồi chị đặt viên phấn xuống, đi ra đón khách.

Khoảng cách từ chỗ chị đến nơi tôi đứng chỉ cách có vài bước chân nhưng sao chị di chuyển nặng nề lắm. Như hiểu được điều chúng tôi đang nghĩ, chị Tiên liền nói: Mình bị teo cơ bẩm sinh từ nhỏ nên đi lại hơi khó khăn một tí.

Trước cảnh tượng nhìn thấy và những lời nghe được, hàng loạt cảm xúc cứ thế ùa về khiến tôi như nghẹn lại: Dạ, tình cờ đi ngang qua đây, thấy lớp học đặc biệt quá nên em ghé vào.

Nói về lớp học, bỗng đôi mắt của chị Tiên long lanh hẳn. Chị bảo, chị dạy các em được gần 2 năm rồi. “Các em ở đây đáng thương lắm, tất cả đều là con nhà nghèo, nhiều em mồ côi cha, mồ côi mẹ…” – chị trầm giọng.

Chị kể, năm 2008, chị được cử đi học cử tuyển đại học ngoài Hà Nội. Trong khoảng thời gian đi học, dù đã được tạo điều kiện rất nhiều, song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị phải gác ước mơ lại.

Bị tật từ nhỏ, không thể làm được những việc nặng nên sau khi về, chị đã xin xuống chăm sóc cho các em trong một cô nhi viện tại Gia Lai. Phục vụ tại đây được vài năm, chị lại trở về nhà với gia đình.

 Đăk Rao Lớn – nơi chị sinh sống, sau bao năm dù đã khoác lên mình bộ áo mới, song vẫn còn lắm các hoàn cảnh khó khăn, éo le. Chị Tiên nói, vì lo kiếm đồng tiền bát gạo nên các bậc phụ huynh ngày đêm ở trên rẫy, không có thời gian chăm sóc, lo việc học cho con. Các em chưa có ý thức học bài ở nhà, học hành thiếu tiến bộ, thấy thương nên chị nuôi ý định mở một lớp học. “Mình muốn dành tình yêu thương để san sẻ, muốn truyền dạy kiến thức để các em học tập tốt hơn” – chị Tiên chia sẻ.

Để mở một lớp học không phải chuyện giản đơn. Kiếm đâu ra phòng, rồi bảng đen, rồi bàn ghế, chị Tiên đau đầu với những suy nghĩ, lo toan ấy. Nhưng nghĩ rằng con đường học sẽ giúp tương lai của các em xán lạn hơn nên chị tự động viên mình quyết tâm làm.

Chị mượn ngôi nhà bỏ trống của anh rể A Gen và chị gái Y Nhét để làm lớp học. Nói là ngôi nhà nhưng thực chất chỉ là một căn phòng nhỏ chật hẹp đã xuống cấp, mưa dột, nắng nóng, gió tạt. Chị xin anh rể vài tấm tôn rồi nhờ anh chị lợp lại mái, làm lại vách tường để tránh mưa. Vì xác định sẽ phải dạy ban đêm nên chị thuyết phục anh chị cho bắc điện thắp sáng. Những phần việc nặng nhọc hoàn thành xong, mỗi ngày chị đến quét dọn cho phòng sạch sẽ.

Sau một thời gian sửa sang, dù căn phòng trông đã sáng sủa hơn trước nhưng vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm. Trong nhiều cái thiếu thì bàn ghế là điều khiến chị lo lắng nhất vì không thể đủ chi phí để mua. Nhưng may mắn thay, chị đã tìm mượn được những chiếc ghế đẩu và cái bảng đen nho nhỏ để làm phương tiện dạy học cho các em. Chị tâm sự rằng, dẫu biết các em ngồi bệt và đặt sách vở trên ghế là không đúng tư thế học nhưng phải cố gắng khắc phục để các em được ôn tập, củng cố lại kiến thức sau giờ dạy trên lớp. Thôi thì cả cô và trò cùng cố gắng vậy!

“Cơ sở vật chất” đã xong, chị bắt đầu “chiêu sinh”. Dù chân đau, đi lại khó khăn nhưng chị vẫn đến từng nhà vận động, khuyến khích các em đến học. Thoạt đầu, nhiều em không muốn đi. Song, qua quá trình vận động, nhận thấy sự nhiệt tình của cô giáo, nhiều em rủ nhau đến lớp.

21,4% học sinh xuất sắc

Giữa năm học 2015 - 2016, lớp chị mở có 28 em theo học. Trong đó có 21 em học cấp I và 7 em đang học cấp II. Và đa số các em là học sinh yếu, chỉ được vài em đạt học lực trung bình.

2 cấp với nhiều lớp học, có em lớp 3, em lớp 6, em lại chỉ mới vào lớp 2… nên chị Tiên phải dạy theo từng nhóm. Giảng lý thuyết cho các em hiểu cặn kẽ rồi chị lại hướng dẫn các em làm bài tập, cứ thế hết nhóm này lại đến nhóm khác.

Những ngày đầu, với tâm lý học cho vui, các em không tập trung nên vất vả nhân đôi, nhân ba. Sau này, thấy được sự vất vả của cô giáo nên các em chăm chỉ học hơn. Dù học sinh đã chủ động tự học, song mỗi ngày đều giảng, dạy liên tục từ 7h đến 8h45, chị Tiên nhão ra vì mệt, giọng khàn lại vì nói nhiều.

Lớp học thiếu cơ sở vật chất nhưng tối nào cũng đông đủ học sinh. Chẳng kể mưa gió, các em có mặt rất đúng giờ và tự giác học tập. Chẳng còn rụt rè, chỗ nào khó hiểu, các em liền mạnh dạn nhờ cô Tiên chỉ, giảng cặn kẽ để hiểu sâu hơn.

Với sự truyền dạy nhiệt tình từ cô giáo Y Tiên cộng thêm sự nỗ lực của bản thân, các em dần tiến bộ. Đặc biệt, từ học sinh yếu, các em dần đạt các danh hiệu học sinh tiên tiến rồi học sinh giỏi và cả học sinh xuất sắc. Em Y Chi xúc động khoe: Cô Tiên chỉ dạy cặn kẽ nên em hiểu bài nhanh lắm. Từ học sinh trung bình, năm vừa rồi, em vượt lên được học sinh xuất sắc, cô giáo và các bạn trong trường khen ngợi nhiều lắm.

A Rim là một ví dụ. Bị mất kiến thức căn bản nên khi bước chân vào lớp 5, Rim thấy thiếu tự tin, lực học ngày một kém. Thế mà nay, kết thúc năm học vừa rồi, A Rim đã được học sinh tiên tiến. “Nhờ cô Tiên cả đấy. Giờ thì em không còn lo sợ mỗi khi đến trường nữa. Em sẽ cố gắng hơn nữa để cô vui lòng” – A Rim phấn khởi.

Không chỉ dạy trong năm học, để các em không quên kiến thức cũng như tránh tình trạng đi tắm ao, hồ, chị Y Tiên đã tổ chức ôn tập cho các em trong những ngày hè. Mỗi sáng, chị lại lên lớp dạy từ 7h30 đến 10h30. Dù bỏ thời gian dạy dỗ cho các em mỗi ngày nhưng chị Tiên không lấy bất kì một đồng tiền nào của học sinh. Chị bảo, các em khó khăn lắm, chỉ cần thấy các em học giỏi là mình vui rồi, không cần tiền nong gì đâu.

“Đi dạy liên tục như vậy, không làm được việc gia đình, chồng chị có phàn nàn không?” – chúng tôi hỏi. Chị Tiên chỉ cười rồi thật thà kể: Khi bắt đầu yêu, mình nói với anh ấy rằng, em sẽ dành rất nhiều thời gian cho các em học sinh, nếu anh chấp nhận được thì mình lấy nhau, còn không thì thôi anh nhé. Lúc đấy anh ấy cười và nói sẽ ủng hộ mình. Và từ bữa đến giờ, không bao giờ anh ấy phàn nàn gì cả.

Mới lập gia đình, chị không làm ra tiền nên mọi khoản chi tiêu đều nhờ vào đồng lương công nhân cao su ba cọc ba đồng của chồng. Kinh tế khó khăn lại không giúp được chồng việc nặng nên sau khi đi dạy trở về, chị Tiên tranh thủ phụ chồng dọn dẹp nhà cửa, trồng các loại rau, củ để cải thiện bữa ăn trong gia đình.

Túng thiếu là vậy nhưng chị Tiên luôn tự cố gắng trang bị phấn, các dụng cụ học tập để phục vụ giảng dạy cho các em. Lắm lúc học sinh thiếu vở, chị lại bỏ tiền túi ra mua. Nhiều khi bí quá, chị phải nhờ người quen xin các nhà hảo tâm ủng hộ.

Thấy chị Tiên nhiệt tình, tận tâm dạy cho con mình từng nét chữ, nét người, nhiều phụ huynh biết ơn chị nhiều lắm. “Nhà nghèo nên mình đâu có gì cho cô đâu, thỉnh thoảng đơm được con cá mình đem đến biếu hay có đọt bí, quả bầu mình gởi cô giáo ăn lấy thảo. Nhưng lần nào cũng vậy, năn nỉ lắm cô giáo mới lấy” – phụ huynh của em Y Chi kể.

Trước đến nay, người dân nơi đây đâu có để ý gì đến ngày 20-11, ấy thế mà năm vừa rồi, khi đến ngày này, nhiều phụ huynh liền đem những giò lan lấy được trên rừng đến tặng cho chị Tiên; có phụ huynh lại bỏ thời gian ra chợ mua cho được cành hoa hồng, tận tay đến tặng để cảm ơn. “Hồi đó cả lớp tặng cho mình một con tượng nhỏ để lưu niệm. Món quà nhỏ thôi nhưng mình đã vui, xúc động đến không cầm được nước mắt” – chị Tiên nhớ lại.

Những phần quà ấy là lời cảm ơn chân thành nhất đến với người cô giáo yêu quý của các em học sinh cũng như phụ huynh nơi đây. Chị Tiên trân quý điều đó nhưng chị bảo rằng, không có niềm vui nào bằng khi nhìn thấy các em ngày càng tiến bộ, ngày càng ngoan hiền, lễ phép. Nhớ lại giây phút các em thông báo kết quả thi, cô giáo trẻ rưng rưng hạnh phúc: “Cả lớp mình có 6 em được học sinh xuất sắc, đạt 21,4% đấy. Các em còn lại đa số đều được học sinh khá trở lên. Mình mừng lắm! Cảm ơn các em đã cố gắng vì chính tương lai của mình”.

Lớp học tiếp tục, chị Y Tiên miệt mài giảng bài trên chiếc bảng đen trong căn phòng chật hẹp. Chia sẻ với chúng tôi, chị nói rằng, chị không mong muốn gì cho bản thân mà chỉ ước sao trong tương lai các em có được một căn phòng thoáng mát, có bàn ghế đàng hoàng để học tập thật tốt.

Rời xa căn phòng học “nhiều không” ấy, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ tình yêu thương học sinh và nhiệt huyết của chị Y Tiên. Chúng tôi hi vọng mong ước của chị sẽ trở thành hiện thực để chắp cánh tương lai, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh nghèo ở Đăk Rao Lớn.  

                                                                                             Hoài Tiến

Chuyên mục khác