01/03/2017 07:59
Sau nhiều năm sản xuất, cung ứng cá giống và thu mua cá thịt khép kín, cơ sở cá giống Tá Tiến của ông Nguyễn Hữu Tá (45 tuổi, ở tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) đã được công nhận là 1 trong 100 thương hiệu Vàng của ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Đã nghe nhiều về cơ sở cá giống của ông Nguyễn Hữu Tá, sau nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được ông Tá tại cơ sở cá giống của ông. Theo lời kể của ông Tá, quê của ông ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông theo ba mẹ vào huyện Đăk Hà lập nghiệp khi mới 10 tuổi. Gia đình có 6 anh em, trong đó ông là con trai lớn. Cuộc sống vô cùng khó khăn, hàng ngày đối diện với chuyện thiếu ăn thiếu mặc. Sau khi học hết trung học phổ thông, do gia đình khó khăn nên ông không thi vào đại học mà đi làm thuê kiếm sống.
|
Ông rời mảnh đất Đăk Hà đi sang tỉnh Đăk Lăk và xin vào làm công tại Công ty Thủy sản Đăk Lăk. Trong những năm làm tại đây, ông Tá bắt đầu hình thành ý định phải học hỏi cách làm, kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá giống sau này về Đăk Hà nuôi cá để làm giàu. Ông Tá nghĩ, nuôi cá không bấp bênh như chăn nuôi, còn lợi nhuận sẽ cao hơn đầu tư trồng cà phê rất nhiều.
Sau khi tích lũy được chút kinh nghiệm và một số vốn nhỏ, năm 1994 ông Tá trở về thị trấn Đăk Hà đầu tư kinh doanh cá giống với 2 hồ chứa cá giống khoảng 15m2. "Tôi bắt tay vào làm với nhiều khó khăn về vốn, thời gian đầu thất bại xảy ra liên tục. Nhưng với quyết tâm, tôi vẫn quyết làm cho bằng được. Vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên cơ sở dần dần đi vào ổn định và đã tạo thành thương hiệu như hôm nay"- ông Tá chia sẻ.
Sau một thời gian, ông Tá quyết định thành lập cơ sở cá giống. Ban đầu, ông chỉ cung cấp cá giống cho bà con nông dân trong huyện Đăk Hà nuôi cá. Được một thời gian, sau khi cân nhắc ông quyết định đầu tư cả giống cá, kỹ thuật nuôi, thức ăn cho cá và tiêu thụ sản phẩm cá thịt cho bà con nông dân. Như vậy, từ đầu vào lẫn đầu ra của người dân nuôi cá làm ăn với ông Tá là cả một quy trình khép kín.
Để đảm bảo chất lượng cá, hằng ngày ông cùng 15 lao động của cơ sở cá giống Tá Tiến đi lại khắp các ao hồ của dân để kiểm tra hồ cá, cách cho cá ăn và xem người nuôi cá có thực sự tâm huyết để đầu tư tiền cho họ. Theo đó, bà con nông dân địa phương chỉ việc chuẩn bị ao, hồ, bè nuôi cá, bỏ công ra hàng ngày và chịu khó ghi chép, nuôi cá tuân theo quy trình kỹ thuật do ông Tá đưa ra.
Ông Tá cho biết: Với tôi, phương châm kinh doanh "dân có lợi - mình có lời, dựa vào dân và đồng hành cùng người dân" nên tôi sẵn sàng trao đổi kỹ thuật cùng tháo gỡ những khó khăn khi đầu tư nuôi cá cho người dân bất cứ giờ nào trong ngày. Trong quá trình nuôi cá, tôi đầu tư con giống có chất lượng bảo hành, cung cấp thức ăn có thương hiệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nếu người dân gặp rủi ro trong quá trình nuôi, tôi sẽ khoanh nợ cho người dân.
Để dân có lợi trong nuôi cá, ông Tá liên kết với dân để khoanh ra từng vùng nuôi riêng biệt. Vùng thì ông Tá đầu tư chuyên nuôi cá giống, còn vùng khác chuyên nuôi cá thịt. Chính cách làm này đã giúp người dân ngày càng có kinh nghiệm trong nuôi cá nên sản phẩm xuất bán từ cá giống đến cá thịt ngày càng phát triển mạnh và thu lời nhiều hơn.
Theo tính toán của ông Tá, cứ 1 ha nuôi cá thì nuôi được 2 vụ, thu về 50 tấn cá thịt; chi phí đầu tư cho 1 kg cá thịt là 21.000-22.000 đồng, nhưng bán ra thị trường được 30.000 đồng/kg trở lên, như vậy lợi nhuận là 10.000 đồng/kg cá. So sánh với cà phê, 1 ha nuôi cá có lợi nhuận bằng 7 ha cà phê.
Trên thực tế ông Tá đã chứng minh điều đó nên người dân đã liên kết làm ăn với ông ngày càng đông. Đến nay có khoảng 500 hộ dân được ông Tá đầu tư nuôi cá với diện tích khoảng 300 ha mặt hồ, ao. Đặc biệt trong năm 2016, tổng số tiền ông Tá đầu tư cho nuôi cá là 20 tỷ đồng.
Theo lời ông Tá, hiện cơ sở cá giống của ông đã liên kết với 50 bạn hàng trong tỉnh và 50 bạn hàng ngoài tỉnh cùng làm ăn và tiêu thụ sản phẩm cá, từ đó giữ nguồn đầu ra ổn định.
Theo thống kê của cơ sở cá giống Tá Tiến, giai đoạn từ năm 2000-2010, ông xuất bán ra thị trường 1.500 tấn cá/năm; nhưng đến giai đoạn 2011-2014, sản lượng cá thịt tăng lên 3.000 tấn/năm và nhất là trong 2 năm gần đây, cá giống cơ sở của ông xuất bán 15 tấn/năm, còn cá thịt bán ra là 6.000 tấn/năm với đủ các loại cá như cá trắm, cá trôi, cá mè, cá rô phi, cá trê, cá lóc…Cũng theo ông Tá, hiện có khoảng 250 hộ dân nuôi cá do ông đầu tư có lãi từ 100-250 triệu đồng/năm. Riêng với ông Tá, sau khi trừ chi phí tất cả mọi nguồn, ông thu lãi từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm.
Đến nay, cơ sở cá giống Tá Tiến không chỉ là thương hiệu uy tín trong và ngoài tỉnh, mà còn xuất bán cho khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, liên kết bán cho cả thị trường ngoài nước. Đây cũng là cơ sở chuyên cung cấp cá giống cho tỉnh và đã hỗ trợ trên 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nuôi cá thuộc chương trình giảm nghèo bền vững; tạo hàng triệu con cá giống cho địa phương nuôi cá diêu lồng bè, cá bống tượng, cá rô phi đơn tính, cá thác lác cường.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tá còn là người nhân hậu, ông nhận những thanh niên nghèo về làm việc tại cơ sở với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người (bao ăn trong ngày). Những người làm tại cơ sở cá giống Tá Tiến sau một thời gian khi muốn ra làm riêng, ông Tá cũng sẵn sàng đầu tư tiền, kỹ thuật để tạo điều kiện cho họ làm ăn…
Trong năm 2016, cơ sở cá giống Tá Tiến của ông Nguyễn Hữu Tá được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam tôn vinh là 1 trong 100 thương hiệu Vàng của Nông nghiệp Việt Nam.
Phúc Nguyên