Khởi nghiệp từ trang trại tổng hợp

19/04/2021 13:12

Chọn cho mình hướng khởi nghiệp từ mô hình vườn - ao - chuồng, chàng thanh niên Nguyễn Phấn Chanh (sinh năm 1995) ở thôn 6, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) trở thành tấm gương cho các bạn trẻ về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi ước mơ của bản thân.

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn heo, Chanh chia sẻ: Trong chăn nuôi heo, không nên nuôi chung nếu không cùng lứa. Hiện tại, tôi chia khu chuồng nuôi heo thành 3 gian để nuôi heo sinh sản, nuôi heo con cai sữa và nuôi heo rừng con. Sắp tới đàn heo phát triển lớn hơn, tôi sẽ làm thêm một số gian khác để nuôi heo đực giống và nuôi heo thịt. Chuồng nuôi phải được thiết kế hợp lý, khoa học để thuận tiện cho khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh. Từ đó mới có thể cho sản lượng thương phẩm tốt nhất, chất lượng nhất, giảm hao hụt khi chăn nuôi.

Để tích lũy được những kiến thức này, Chanh đã có nhiều năm làm việc trong những trang trại nuôi heo ở Thành phố Hồ Chí Minh để trang bị cho bản thân những kiến thức kỹ thuật cần thiết. Qua gắn bó với thực tiễn nuôi heo, dần dà Chanh đã hiểu được đặc tính của từng giống, cách thức chăm sóc, dấu hiệu khi heo phát bệnh… Khi cảm thấy bản thân đã đủ “cứng” với nghề, Chanh trở về quê nhà và bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi heo của mình.

Nhờ có kiến thức, kinh nghiệm và sự cần cù, đàn heo của Chanh dần phát triển ổn định. Riêng trong năm ngoái, Chanh xuất bán 3 lứa heo, thu về gần 200 triệu đồng. Hiện tại Chanh đang trong quá trình gây lại đàn, đồng thời thử nghiệm nuôi 7 con heo rừng giống, bởi theo Chanh tìm hiểu, so với heo nhà, nuôi heo rừng có chi phí thú y thấp do ít bị bệnh; thức ăn dễ kiếm, rẻ tiền và chỉ tốn bằng 1/5 so với heo nhà cùng lứa; giá bán heo rừng luôn cao hơn nhiều.

Phát triển kinh tế từ cây công nghiệp. Ảnh: T.T

 

Khi mô hình nuôi heo ổn định, Chanh phát triển thêm các cây trồng, vật nuôi khác. Trước khi triển khai thực hiện các dự tính này, Chanh đã tìm đến một số mô hình trên địa bàn để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời đăng ký tham gia các lớp tập huấn tại địa phương. Sau đó, Chanh trồng 600 gốc cà phê, 900 gốc cao su và một số cây ăn trái trên diện tích hơn 3ha đất của gia đình.

Nguyễn Phấn Chanh chia sẻ: Khi thiết kế vườn, phải đảm bảo điều kiện thâm canh tăng năng suất lâu dài, chống xói mòn đất và bảo đảm hạn chế các yếu tố bất lợi của thời tiết. Đồng thời tôi luôn để ý, theo dõi kỹ càng quá trình phát triển của cây để kịp thời phát hiện dấu hiệu sâu bệnh cũng như các mối nguy hại đến cây trồng. So với cà phê, cây cao su dễ chăm sóc và ít tốn công hơn, cũng chính vì vậy mà tôi đã dành nhiều diện tích để phát triển loại cây trồng này. Hiện vườn cà phê và cao su phát triển tươi tốt, ổn định, trung bình mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Khi có điều kiện về vốn, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích 2 loại cây trồng này.

Luôn cố gắng, cần mẫn, nhưng không phải nỗ lực nào cũng suôn sẻ, như dự định phát triển cây ăn quả trong trang trại của Chanh đã và đang gặp nhiều khó khăn, chưa thu được kết quả như mong đợi. Cuối năm 2019, Chanh trồng thử nghiệm 20 gốc sầu riêng và 20 gốc mít Thái, tuy nhiên vì nhiều lý do, hiện 2 loại cây trồng này vẫn chưa phát triển ổn định, đặc biệt là cây sầu riêng đã chết quá nửa. Với tinh thần bại nhưng không nản, Chanh vẫn tiếp tục mày mò qua sách vở và internet, đồng thời theo dõi tình trạng các cây còn sống để đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục trồng lứa sau.

Chanh còn thuê người nạo vét, sử dụng diện tích đất còn trống để đào ao nuôi cá. Theo đó đầu năm 2020, Chanh đã thả hơn 1.000 con cá chim giống, trị giá 10 triệu đồng, nuôi thử nghiệm thêm giống cá trắm và cá chép, hiện chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy đánh giá: Với sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, Nguyễn Phấn Chanh là một trong những gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi của tuổi trẻ xã Tân Lập.

Tất Thành

Chuyên mục khác