Hơn 30 năm miệt mài tìm hài cốt đồng đội

26/07/2017 07:04

​Hơn 30 năm qua, ông A Piếc – bệnh binh 64% ở thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi vẫn miệt mài tìm kiếm các đồng đội đã hi sinh. Với ông, niềm vui lớn nhất là các đồng đội được yên nghỉ tại quê hương, gia đình.

Nghe cả đoàn đến thăm, ông Piếc lui cui bước từ trong nhà ra, tay bắt mặt mừng. Sau vài câu hỏi thăm, chuyện trò, chúng tôi mới biết, cách đây không lâu, trong chuyến sang Lào, ông đã góp sức tìm kiếm 3 mộ liệt sĩ.

Nhắc đến việc tìm đồng đội, giọng ông bỗng nghẹn lại: Hàng ngàn liệt sĩ đang còn lưu lạc trên chiến trường xưa, nghĩ mà đau ruột đau gan lắm. Giá như tìm được các anh em, đồng chí, đồng đội đưa họ về với quê hương, gia đình thì hạnh phúc biết mấy.

Nhắc lại chuyện đời mình, ông Piếc kể rằng, năm 1971, khi mới 18 tuổi, với tinh thần yêu nước, ông đã giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều trận đánh. Trải qua nhiều gian khó, từ một người khỏe mạnh, sức khỏe ông giảm sút, thành bệnh binh 64% với các bệnh: viên phế quản mạn, viêm đa khớp giảm 50% khả năng vận động, thị lực chỉ còn 4/10...

Dù bệnh tật, sức khỏe giảm sút, nhưng khi nghĩ đồng đội hi sinh đang còn lưu lạc trên chiến trường, sau giải phóng, ông đã lặn lội đi tìm hài cốt liệt sĩ. “Thoạt đầu mình cùng các anh em, đồng đội trong làng băng rừng lội suối tìm kiếm. Lúc đó vì chưa có kinh nghiệm nên cả nhóm chỉ tìm quanh quẩn ở khu vực Sa Thầy, Ngọc Hồi thôi” – ông A Piếc nhớ lại.

Ông A Piếc ở giữa đang kể lại những ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: B.A

 

Mỗi lần tìm được, ông A Piếc cùng với mọi người thành kính dâng hương, nhặt tất cả các di vật cuối cùng, cẩn thận xúc lấy lớp đất đen rồi báo cho chính quyền để gửi thông tin tìm kiếm nhân thân, hỗ trợ đưa liệt sĩ về quê nhà hoặc an nghỉ tại nghĩa trang.

“Tìm kiếm trong bao la rừng núi, gian khó đến vô chừng nhưng thấy hài cốt đồng đội, vui đến quên cả mệt mỏi. Tự tay cất bốc hài cốt đồng đội, cảm giác cứ như đang nghe được tiếng nói, hơi thở của các anh, tim mình se lại, hạnh phúc mà nước mắt cứ thế trào” – ông A Piếc tâm sự.

Tự nguyện đi tìm đồng đội, sau này việc làm của ông A Piếc được Đội K53 tỉnh Kon Tum biết đến. Vậy là, ông A Piếc cùng với Đội K53 đi sang khu vực Lào, Campuchia để tìm kiếm đồng đội hi sinh. Hơn 30 năm, cùng với Đội K53, ông đã hỗ trợ tìm kiếm được 233 mộ liệt sĩ ở các khu vực Ngọc Hồi, Sa Thầy và cả ở nước bạn Campuchia, Lào.

64 tuổi, mắt đã kém đi nhiều, tai cũng lãng hơn nhưng ông A Piếc vẫn luôn sẵn sàng cho việc tìm kiếm mộ liệt sĩ. “Ông đi tìm kiếm mộ như vậy rồi thời gian đâu lo cho gia đình?” – chúng tôi hỏi. Ông cười đôn hậu, thật thà nói: Mình vẫn chăm chỉ làm 1ha cà phê, 1ha cao su và lo cho các con chứ. Nhưng khi nào nghe có thông báo từ Đội K53 sắp đi tìm mộ liệt sĩ, mình liền giao việc cho các con, lại chuẩn bị hành trang, lên đường tìm kiếm.

Uớc mong lớn nhất của ông A Piếc là tìm thấy và đưa được đồng đội về yên nghỉ tại quê hương. Ông nói rằng, việc làm của ông chẳng thấm vào đâu so với máu xương của các anh đã đổ xuống nên khi nào còn sức, ông sẽ còn làm.

“Các anh hùng đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, bởi vậy, mình hay dặn các con sống phải biết đền ơn, đáp nghĩa, phải trân quý công lao của các anh hùng, liệt sĩ” – ông A Piếc chia sẻ.

Trời chiều, chúng tôi chào ông A Piếc trở về. Vừa vẫy tay tạm biệt, ông Piếc cười đôn hậu, nói vọng theo: Sắp tới mình được xuống tỉnh dự hội nghị tuyên dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác người có công đấy. Mình sẽ cố gắng tìm nhiều đồng đội hơn nữa để các anh không phải lạnh lẽo giữa rừng…

Trên đường về, hình ảnh người bệnh binh già A Piếc và những câu chuyện kể làm chúng tôi xúc động. Anh A Tân – cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội xã Sa Loong cứ tấm tắc khen ngợi: 64 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng ông A Piếc vẫn mang lại niềm vui cho nhiều gia đình trông ngóng hài cốt của người thân. Ông A Piếc sống rất hòa nhã với mọi người, luôn chỉ dạy con cháu sống biết trước, biết sau nên được rất nhiều người yêu thương, quý mến.

Bình An

Chuyên mục khác