Gương sáng A Gliêu

08/04/2018 18:00

​Với mô hình phát triển chăn nuôi bò và cho dân làng mượn bò sinh sản để chăn nuôi cùng thoát nghèo bền vững, tấm gương của anh A Gliêu (sinh năm 1979) ở làng Ling La, xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) rất đáng được biểu dương, khen thưởng.

Đăk Psi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà. Cũng như nhiều thôn làng khác trong xã, cuộc sống của dân làng Ling La trước đây rất khó khăn và gia đình anh A Gliêu cũng không ngoại lệ.

Từ thời thanh niên, A Gliêu đã ý thức về việc phải vươn lên thoát khỏi cái nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nên anh luôn nỗ lực phụ giúp gia đình làm kinh tế để đảm bảo đủ cái ăn, cái mặc.

Thời ấy, A Gliêu luôn nuôi dưỡng ước mơ: Nếu có vốn sẽ đầu tư mua bò của bà con trong làng để chăn nuôi và bán lại kiếm lời - theo cách của một số người Kinh ở trong vùng thường làm.

Anh A Gliêu (phải) động viên bà con trong làng nuôi bò để giảm nghèo

 

 Năm 2001, sau khi lập gia đình và ra riêng lập nghiệp, A Gliêu được bố mẹ cho 2ha mì và 1 con bò sinh sản để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Với quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, từ nguồn thu hoạch rẫy mì được vài chục triệu đồng mỗi năm, A Gliêu bàn với vợ dành dụm tiền để hùn vốn với bạn bè mua bò của người dân trong vùng phát triển chăn nuôi, rồi bán lại cho thương lái.

Sau một thời gian, có được số vốn kha khá, A Gliêu tách ra mua bán riêng. Nguyên tắc mua bán của A Gliêu là không ép giá của bà con, mà việc mua bán bò theo đúng giá cả thị trường. Bò mua về được A Gliêu tích cực chăm sóc, sau vài tháng vỗ béo, nếu thấy được giá thì anh bán lại để kiếm lời. 

A Gliêu nhẩm tính, trung bình mỗi năm anh mua bán được hơn chục con bò, tùy vào con lớn hay nhỏ và giá cả thị trường mà có mức giá dao động từ 7-8 triệu đồng/con hoặc 15-20 triệu đồng/con. Chỉ riêng từ việc mua bán bò cũng đem về thu nhập hàng năm cho gia đình anh gần 100 triệu đồng.

Tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình và thoát được cái nghèo, A Gliêu mừng lắm.

Điều đáng quý hơn ở người nông dân này đó là lòng tốt và sự nhiệt tình trong việc giúp đỡ các hộ khác trong làng cùng thoát nghèo, nhất là một số thanh niên mới tách hộ lập vườn - già làng A Bét khen ngợi A Gliêu.

Ngoài 10 con bò gia đình đang nuôi, hiện anh A Gliêu còn cho 10 hộ gia đình khó khăn trong làng mượn mỗi hộ 1 con bò giống sinh sản để phát triển chăn nuôi giảm nghèo bền vững.

Nguyên tắc được A Gliêu đưa ra với các hộ gia đình là sau khi bò mẹ đẻ bò con thì hộ nghèo sẽ trả bò giống về cho gia đình anh. Trường hợp kinh tế gia đình còn khó khăn, anh tạo điều kiện cho họ nhận nuôi tiếp.

Nhắc đến tên A Gliêu, anh A Dúc (ở làng Ling La) cho biết: 5 năm qua, nhờ sự giúp đỡ của A Gliêu trong việc cho mượn bò giống sinh sản để chăn nuôi, gia đình anh đã có được 2 con bê. Hiện tại, A Gliêu cũng đã đồng ý cho vợ chồng anh tiếp tục mượn lại con bò mẹ để chăn nuôi...

Chia sẻ về việc làm của mình, anh A Gliêu khiêm tốn: Tôi nhớ câu nói của Bác Hồ căn dặn mỗi người chúng ta là phải biết quan tâm chăm lo cho người nghèo. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo rồi thì chính những người đã thoát được nghèo cũng cần phải chung tay giúp đỡ,  động viên và chia sẻ kinh nghiệm để những người nghèo còn lại cùng vươn lên thoát nghèo, đó là điều rất nên làm.

 Với quyết tâm làm giàu, năm 2016, anh A Gliêu tiếp tục xoay vòng vốn đầu tư trồng thêm 1.200 gốc cà phê trên diện tích rẫy mì còn lại; đào ao để lấy nước tưới tiêu vườn cây và và nuôi cá để nâng cao thu nhập.

A Gliêu cho biết: Được sự động viên và hướng dẫn của chính quyền địa phương, vợ chồng anh đang chuẩn bị trồng cỏ nhằm mở rộng mô hình nuôi bò bài bản hơn, để bà con trong làng học hỏi và làm theo.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác