Gìn giữ nghề truyền thống

13/05/2024 13:09

Hàng chục năm qua, ông A Nuy (68 tuổi, dân tộc Xơ Đăng) sinh sống ở làng Đăk Giá 2 (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) vẫn miệt mài đan từng cái gùi, cái đơm, cái nia, cái rổ… vừa để sử dụng trong gia đình, hoặc bán cho người khác tăng thêm thu nhập, vừa qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề đan lát truyền thống của người Xơ Đăng, tránh bị mai một.

Ông A Nuy sinh ra và lớn lên trong gia đình ông có truyền thống làm nghề đan lát từ thời ông bà cố, ông bà nội, cha mẹ rồi đến thế hệ của ông. Nghề đan lát cũng là nghề truyền thống của người Xơ Đăng. Từ thời xưa cho đến nay, gia đình ông A Nuy nói riêng của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nói chung hầu như gia đình nào cũng có những vật dụng như rổ, nia, thúng đến vật dụng phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản hàng hóa như gùi, đơm bắt cá… cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay, nghề đan lát đang dần bị mai một trước xu hướng phát triển của xã hội hiện nay. Số người trẻ biết nghề đan lát ngày càng ít. Những người già, thành thạo đan lát như ông A Nuy cũng không còn nhiều.

Theo ông A Nuy, học theo ông bà, cha mẹ nên từ năm 18 tuổi, ông đã biết và thành thạo nghề đan lát. Hàng ngày, ông vào rừng tuyển chọn những cây tre, cây nứa, cây le già, ruột dày, chặt  mang về nhà, dùng dao chẻ nhỏ để đan các vật dụng. Mỗi sản phẩm (rổ, nia, đơm, gùi…) làm từ 1 đến 5 ngày, tùy kích cỡ lớn hay nhỏ, thời gian sử dụng trên dưới 10 năm mới hư, tùy thuộc vào người sử dụng.

Tùy theo công năng sử dụng của từng loại vật dụng, kích thước lớn hay nhỏ, độ tinh xảo trong kỹ thuật đan lát, thời gian thực hiện, tính thẩm mỹ, loại vật liệu, chất lượng…, mỗi sản phẩm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình có giá từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

 
Nghệ nhân A Nuy, 68 tuổi, làng Đăk Giá 2, xã Đăk Ang trình diễn nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Q.Đ

 

“Nhiều người dân rất thích sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu từ thiên nhiên này vì nó thân thiện với môi trường. Đặc biệt là sản phẩm đẹp, bền, chắc, có chất lượng và điều đáng nói là đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cho người sử dụng, hạn chế vấn nạn ô nhiễm môi trường” - ông Nuy bộc bạch.

Theo ông A Nuy, hiện nay, lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề đan lát truyền thống nên bản thân ông ngoài việc đang cố gắng gìn giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc để có thêm thu nhập, ông còn tích cực vận động lớp thanh niên trẻ trong làng học nghề đan để nghề này không bị mai một.

Với A Nuy, ước nguyện của ông là mong sao các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ, thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, tập hợp những người làm nghề đan lát truyền thống tại xã Đăk Ang để sản xuất ra nhiều sản phẩm, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Đăk Ang cho hay, trên địa bàn xã hiện có hơn 30 người biết làm nghề đan lát truyền thống, ông A Nuy là một trong số những người đó.

Những người khác làm nghề chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, sản phẩm ít khi được bán ra thị trường bên ngoài. Riêng ông Nuy do kỹ thuật đan lát tinh xảo, vừa đẹp vừa bền, sản phẩm có chất lượng nên được nhiều người gần xa biết đến, thỉnh thoảng đặt hàng để làm các vật dụng mà họ mong muốn. Ông A Nuy có công lao đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại địa phương.

QUANG ĐỊNH

Chuyên mục khác