Đảng viên Lê Hồng Nam làm giàu từ mô hình VAC

21/08/2018 13:00

Với quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó, Lê Hồng Nam - đảng viên Chi bộ thôn Ling La (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp vườn-ao-chuồng (VAC). Đến nay, mô hình của anh Nam được xem như một mô hình điểm để bà con ở xã đặc biệt khó khăn Đăk Psi học hỏi và làm theo.

Chúng tôi đến thăm trang trại VAC của gia đình anh Lê Hồng Nam (sinh năm 1981) nằm gần vùng bán ngập thủy điện Đăk Psi 5 (xã Đăk Psi). Trang trại rộng chừng 1,6ha được anh trồng cà phê, đào ao thả cá, trồng cỏ nuôi bò rất quy mô.

Đang xay cỏ (bằng máy) để cho bò ăn, thấy chúng tôi đến, anh Nam tranh thủ nghỉ tay tiếp chuyện.

Anh Nam quê ở tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2000, anh theo người bà con vào làm công nhân Nông trường 701 (đóng chân tại huyện Đăk Hà). Năm 2006, Nông trường 701 giải thể, sáp nhập vào Công ty Cà phê 734 và có chủ trương bán vườn cây cho công nhân lao động trực tiếp. Anh Nam dùng số tiền dành dụm và vay mượn thêm mua được 2 mảnh vườn cà phê với tổng diện tích 2,6ha.

Anh Nam chăm sóc đàn bò chăn nuôi tại trang trại

 

Chia sẻ ý tưởng xây dựng mô hình VAC, anh Nam cho biết: Sau khi mua mảnh vườn cà phê, tưởng sẽ hốt bạc, nào ngờ, do vùng đất đồi dốc, chất đất bạc màu nên cho dù mỗi năm đầu tư từ 60-70 triệu đồng tiền phân bón nhưng năng suất, sản lượng thấp, lại còn bị vàng lá. Từ đây, tôi đã nghĩ ra việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò (vì nơi đây có nhiều đất đai trồng cỏ) để tận dụng nguồn phân chuồng cải tạo đất, vực lại sức sống và năng suất cho vườn cà phê.

Năm 2017, anh Nam lựa chọn mảnh vườn của gia đình mua được trước đó rộng chừng 1,6ha (trong đó 1,3ha đã trồng cà phê) để mở trang trại VAC. Đầu tiên, anh đầu tư gần 140 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 10 con bò về chăn nuôi; phần diện tích còn lại đào ao vừa nuôi cá vừa lấy nước tưới vườn cây. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, anh Nam còn tận dụng đất bán ngập thủy điện Đăk Psi 5 ở gần đó để trồng 1ha giống cỏ VA06 (cao khoảng vài mét).

Chỉ vào chiếc máy xay cỏ mới đầu tư đặt ở gần chuồng trại nuôi bò, anh Nam cho biết, mỗi ngày, nhờ chiếc máy này anh xay được khoảng 6-7 tạ cỏ làm thức ăn cho bò.  

Để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, ngoài tiêm phòng theo định kỳ, anh Nam còn rất kỹ lưỡng ở khâu vệ sinh chuồng trại. Hàng tuần, anh Nam tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi một lần. Nguồn phân chuồng sau khi lấy ra khỏi chuồng trại chăn nuôi được đưa vào khu vực hầm cách ly để ủ với vỏ cà phê và men vi sinh nên không gây mùi thối làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đặc biệt, ngoài cho bò ăn cỏ tươi, anh còn có thêm khẩu phần cỏ ủ chua (1 ngày/lần) để tăng hàm lượng chất dinh dưỡng cho gia súc. Anh Nam cho biết cách làm này được anh học hỏi từ kinh nghiệm của nhiều nhà nông chia sẻ qua sách, báo, internet.

Để làm cỏ ủ chua, anh Nam xây hẳn mấy hầm ủ thức ăn gần khu chuồng trại. Cứ 1 tuần anh lại ủ thức ăn 1 lần theo công thức: 1 tạ cỏ tươi trộn với nửa ký muối và 5 ký bột cám gạo hoặc bột bắp rồi cho vào hầm ủ từ 10-15 ngày là có thể mang cho gia súc ăn.

Sau 1 năm chăn nuôi, từ 10 con bò sinh sản ban đầu, đến nay, anh Nam đã phát triển đàn bò lên 17 con. Và từ chỗ mỗi mùa vụ phải đầu tư trung bình 60 - 70 triệu đồng tiền phân bón cho 1ha cà phê, đến nay, nhờ có nguồn phân chuồng đã giúp gia đình anh Nam giảm được 50% chi phí đầu tư, đất vườn cà phê cũng dần được cải tạo với năng suất và sản lượng cây trồng dần được nâng lên. Nhờ đó, mỗi năm trang trại VAC đã mang đến nguồn thu nhập cho gia đình anh Nam vài trăm triệu đồng.

Ngoài mục đích làm kinh tế, anh Nam mong muốn mô hình của gia đình mình sẽ giúp bà con trong vùng từng bước học hỏi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để dần đẩy lùi cái nghèo.

Trong các cuộc hội họp ở thôn làng và phát huy vai trò đảng viên phụ trách hộ và nhóm hộ, anh Nam thường chia sẻ kinh nghiệm, vận động bà con không chăn nuôi gia súc theo kiểu chăn thả mà nên có chuồng trại để lấy được nguồn phân bón cải tạo đất, phát triển trồng trọt; hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc cà phê để mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Đi làm cho gia đình anh Nam nhiều tháng nay, anh A Ai ở thôn Kon Kôm (xã Đăk Psi) chia sẻ: Tôi đã được anh Nam tận tình chỉ dẫn rất nhiều về cách thức làm kinh tế, đặc biệt là mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò, cách thức trồng và chăm sóc cho cây cà phê. Nhờ vậy, mùa mưa năm nay, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng mì sang trồng cà phê với mong muốn sớm thoát được nghèo.

Anh Nam còn tốt bụng cho giống cỏ để các hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò có chuồng trại; kêu gọi bà con đến trang trại mình để tận mắt chứng kiến từng công đoạn anh bón phân, cắt chồi cà phê để dễ hiểu, dễ hình dung, từ đó về áp dụng và làm theo.

Anh Nam cho biết, điều đáng mừng là thời gian gần đây, một số hộ gia đình cũng đã mạnh dạn đến nhờ anh hướng dẫn, giúp đỡ cách thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng vào thực tế.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác