Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

14/07/2024 06:03

Với nghĩa tình đồng đội và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong 15 năm qua, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng đã dành nhiều công sức để tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại quê hương.

Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng (sinh năm 1953), quê quán tại xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ông thuộc Tiểu đoàn đặc công 20 thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (nay là Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3), tham gia chiến đấu ở Tây Nguyên. Trong giai đoạn 1968-1970, ông và đồng đội trong đơn vị tham gia nhiều trận chiến ác liệt tại các chiến trường Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và khu vực Stung Treng, Ban Lung (nước bạn Campuchia).

Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng tâm sự: Trong kháng chiến, tôi tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, thân xác nằm lại chiến trường. Bởi vậy, tôi luôn mang ý nguyện là sẽ đưa hài cốt các anh trở về với “quê cha đất tổ”. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2008, tôi tham gia cùng với đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân đoàn 3, phối hợp với chính quyền địa phương về lại các chiến trường xưa để lần theo dấu vết, tìm kiếm hài cốt của đồng đội.

Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng thắp nén nhang lên phần mộ liệt sĩ. Ảnh: T.L

 

Thế là, trong suốt 15 năm qua, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng không quản ngại khó khăn, dù mưa hay nắng, ông luôn sẵn sàng băng rừng, trèo đèo, lội suối lần theo các manh mối nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ do quân đội và người dân cung cấp. Với sự góp sức của ông, gần 100 hài cốt của liệt sĩ đã được tìm thấy, cất bốc và quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ.

Tại tỉnh Kon Tum, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng và đồng đội cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tìm kiếm được 8 hài cốt liệt sĩ tại phường Duy Tân và phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum vào tháng 4/2023.

Ông Tùng bồi hồi nhớ lại: Tôi và lực lượng vũ trang thành phố Kon Tum liên tục tìm kiếm trong nhiều ngày thì mới tìm được vị trí các hài cốt liệt sĩ.

Trong số 8 phần mộ liệt sĩ được tìm thấy tại thành phố Kon Tum, có 1 phần mộ xác định được danh tính là liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm sinh năm 1951, quê quán tại thôn Quế Nham, xã Tân Yên, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang); nhập ngũ vào tháng 8/1971, thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên. Trong quá trình chiến đấu, liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm hy sinh tại tỉnh Kon Tum vào ngày 25/5/1972.

Sau khi xác định được danh tính, gia đình và đồng đội phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành làm lễ đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm về với quê nhà Bắc Giang.

Đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm về với quê nhà Bắc Giang. Ảnh: TL

 

Ông Nguyễn Trọng Khánh- cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm chia sẻ: Nhiều năm qua, gia đình chúng tôi đã liên hệ rất nhiều nơi để nhờ hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, địa hình nơi chôn cất bị thay đổi rất nhiều, một số công xưởng, nhà cửa hình thành nên rất khó xác định chính xác vị trí. Vào tháng 4/2023, cả gia đình tôi rất vui mừng, xúc động khi biết được thông tin, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng đã cùng với lực lượng vũ trang thành phố Kon Tum tìm kiếm được hài cốt của chú tôi.

Ông Giáp Mạnh Toàn (đồng đội ngày xưa của liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm) nghẹn ngào kể lại: Tôi và chiến sĩ Nguyễn Văn Hàm thuở ấy nhập ngũ cùng ngày, cùng hành quân và cùng chiến đấu trong chiến hào tại Mặt trận Tây Nguyên. Chứng kiến đồng đội hy sinh nhưng vì chiến trường ác liệt, đơn vị phải di chuyển chiến đấu nên tôi không thể tự tay chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm. Khi tìm được hài cốt đồng đội, tôi rất xúc động, không thể nói hết bằng lời. Bên cạnh đó, tôi cũng rất vui mừng, vì hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hàm được đưa về lại nơi “chôn nhau cắt rốn”, để gần gũi với gia đình, người thân và bạn bè.

Tháng Bảy hằng năm là dịp để tất cả người dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp xương máu của các bậc cha ông đã anh dũng chiến đấu, quyết hy sinh vì tự do, độc lập của dân tộc; giúp cho các thế hệ mai sau được hưởng hoà bình, cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc. Hành động đi tìm hài cốt liệt sĩ của cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng vừa thể hiện được nghĩa tình đồng đội sâu đậm, vừa là tấm gương sáng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, rất đáng để chúng ta trân trọng, lan tỏa trong đời sống xã hội.

TẤN LỘC

Chuyên mục khác