Cụ Phạm Văn Thuấn - Tuổi cao vẫn hăng say lao động

06/06/2017 08:25

​Cụ Phạm Văn Thuấn ở xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) không chỉ là cán bộ hưu trí gương mẫu trong các phong trào đoàn thể cơ sở mà còn là hội viên người cao tuổi điển hình hăng say lao động, cống hiến trí tuệ xây dựng nên Hợp tác xã nông nghiệp An Gia Phát hoạt động kinh tế hiệu quả tại địa phương.

Hôm đến thôn Kon Gur (xã Đăk Blà), chúng tôi được cụ Phạm Văn Thuấn - Chủ nhiệm Hợp tác xã An Gia Phát đưa đi tham quan vườn cao su rộng 5ha. Trong đó, 3,7ha cao su đang cho thu hoạch mủ năm thứ 2 và dưới tán vườn cây rộng mênh mông này đang chăn thả đàn gà vịt chừng 2.000 con; khuôn viên 3 nhà lồng nuôi 700 con heo thịt, heo giống và 3 ao cá khoảng 400m2 mặt hồ đang được làm sạch để chuẩn bị thả những lứa cá nuôi thương phẩm đầu tiên.

Nhìn bước chân nhanh thoăn thoắt, giọng nói vang vang và nụ cười đôn hậu của cụ Thuấn, không ai nghĩ đây là lão nông ở tuổi 72. Cụ vui vẻ nói: Nhờ lao động hàng ngày đấy, tôi cứ đi đi lại lại quanh các khu chăn nuôi - trồng trọt, nên sức khỏe được rèn luyện nhiều, tinh thần đầu óc vẫn minh mẫn.

Bác Phạm Văn Thuấn (người đứng bên trái) đang trao đổi với khách hàng mua dụng cụ sản xuất nông nghiệp tại của hàng gia đình. Ảnh:M.T

 

Vốn ở quê Nam Định, năm 1987, vợ chồng cụ đều là cán bộ tăng cường vùng kinh tế mới tại thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum). Riêng cụ được UBND xã Đăk Blà tiếp nhận vào phụ trách tham mưu công tác nông nghiệp - công nghiệp ở địa phương.

Những năm 2010, dù về hưu, cụ vẫn tham gia các hoạt động của Hội Người cao tuổi ở xã Đăk Blà. Gắn với chuyên môn mảng nông nghiệp trong những ngày còn công tác, cụ đã mở tiệm buôn bán, cung cấp phân bón, vật tư nông nghiệp cho bà con tại nhà. Hàng ngày, thời gian rảnh rỗi, cụ lại chạy xe máy vào ruộng, rẫy của bà con thăm chơi, trò chuyện để đỡ nhớ việc trước đây. Cũng từ quan hệ thân quen này, năm 2015, nhiều người biết cụ khao khát có đất rẫy để làm nông dân thực thụ, nên đã giới thiệu 5ha đất trồng cao su trên.

Cụ Thuấn tâm sự, lúc đó, tài sản của gia đình chỉ có chừng 150 triệu đồng, lấy đâu ra tiền tỷ để mua hết 5ha cao su này. Thế rồi, cụ đã suy nghĩ, tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hay, để mỗi buổi sáng tán gẫu với các ông bạn già Hội Người cao tuổi, hỏi thăm nhiều thanh niên trẻ có ý chí ham làm giàu chính đáng ở thôn Kon Gur. Sau đó, 10 người đã đồng ý trở thành thành viên ban đầu của Hợp tác xã An Gia Phát và bỏ ra tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng mua 5ha cao su, đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị phòng làm việc, trang trại chăn nuôi heo giống, heo thịt và kéo tường rào kẽm nuôi thả rông vài ngàn con gà vịt lấy thịt.

Anh Nguyễn Viết Trọng 32 tuổi - thành viên trẻ nhất của Hợp tác xã An Gia Phát chia sẻ: 10 thành viên của Hợp tác xã rất thích và khâm phục sự sáng tạo, ý tưởng mới của cụ Thuấn về xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp. Ban đầu, trong vườn cao su, đích thân tôi được giao chăm sóc đàn gà vịt chừng 2.000 con; 400 con heo nuôi lấy thịt, 50 con heo nái giống. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn thuê 2 lao động đảm trách thu hoạch mủ cao su cho sản lượng khoảng 4,5 tấn mủ khô/năm.

Theo anh Trọng, hiện tại, những đề xuất ban đầu của cụ Thuấn đang thực hiện bước đầu cho kết quả sản xuất tích cực. Cuối năm 2016, tổng đầu tư lấy ngắn nuôi dài, dù giá cả thị trường có biến động lớn, nhưng các thành viên và cả cụ Thuấn đã làm việc với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, các tiệm ăn uống, khách sạn trong tỉnh, nên mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm tươi sống xuất hàng vẫn đảm bảo giá cả, mang về thu nhập hơn 500 triệu đồng.   

Thông tin từ chỗ anh Trọng là thế, nhưng cụ Thuấn vẫn khiêm tốn cho rằng, thời điểm bão giá các mặt hàng thịt heo tươi sống, việc bán hết lứa heo thịt 400 con sau Tết Nguyên đán 2017 ở giá 12 ngàn đồng/kg là nỗ lực, đảm bảo hòa vốn. Vậy nhưng, các thành viên được lợi rất nhiều về kinh nghiệm chăm sóc, nuôi heo thịt, heo giống cho năng suất, không bệnh tật, có hiệu quả kinh tế…

Cụ Thuấn cũng không ngại cho biết thêm, hiện tại, đã lấy ý kiến hội viên mạnh dạn đầu tư hơn 800 con heo thịt. Đồng thời, tổ chức cho các hội viên hợp tác xã tham quan các mô hình trồng cây đinh lăng dưới tán cây cao su để lấy lá phục vụ chăn nuôi dê thịt. Công tác này sẽ được triển khai vào tháng 8 đến, về lâu dài thân cây đinh lăng đủ độ tuổi cho thu hoạch làm cây dược liệu. Hợp tác xã còn tận dụng nguồn nước suối chạy dọc diện tích 5ha cao su để đào 3 ao cá chừng 400m2  mặt hồ và tạo luồng nước tự nhiên ra vào sắp đến thả nuôi các loại cá thương phẩm, tăng thêm việc làm, sinh lời nguồn vốn đã đầu tư.

Ông Huỳnh Đăng Hải – Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Kon Tum ghi nhận, cụ Phạm Văn Thuấn là hội viên điển hình của Hội Người cao tuổi thành phố trong việc nêu gương sáng. Cụ cần cù trong lao động sản xuất, có nhiều sáng tạo, cách làm mới đầu tư mô hình kinh tế hợp tác xã đầu tiên và duy nhất của người cao tuổi địa phương hoạt động rất xứng đáng cho hội viên học tập.

Mai Trâm

Chuyên mục khác