Cô bé khuyết tật vượt khó để vào đại học

17/09/2018 07:14

​Có bố tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị ảnh hưởng chất độc da cam nặng nên từ lúc sinh ra, Nguyễn Thị Mai (sinh năm 2000) cũng đã bị ảnh hưởng, tay chân quặt quẹo. Vượt lên nỗi đau và mặc cảm về số phận, Mai đã cố gắng đến trường. 12 năm đèn sách, cô bé đầy nghị lực này luôn là học sinh khá, giỏi. Kỳ thi tuyển sinh năm 2018, em đã được ưu tiên xét tuyển thẳng vào Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Chúng tôi tìm đến nhà của em Nguyễn Thị Mai ở bên kia cầu treo Kon Klor (thôn Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Nguyễn Phi Hùng - bố của Mai kể rất nhiều về nỗi đau mà chiến tranh đã để lại với gia đình ông và niềm tự hào về những đứa con khuyết tật nhưng giàu nghị lực của mình.

Ông Hùng năm nay đã bước sang tuổi 73. Quê ông ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1964, ông thoát ly gia đình đi bộ đội.

Ông Hùng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở khắp chiến trường các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Những năm tháng ấy, ông cùng những đồng chí, đồng đội của mình nhiều lần phải hứng chịu chất độc da cam do Mỹ rải.

Trong trí nhớ của ông Hùng, kinh hoàng nhất là lần ở Hà Nừng (tỉnh Gia Lai), khi đang hành quân thì bị 2 chiếc C103 của Mỹ bay trên bầu trời chĩa mỗi bên 6 vòi phun ra một thứ chất màu trắng trắng xóa cả vùng trời. Chưa đầy 24 tiếng đồng đồ sau đó, ông Hùng và những người đồng đội của mình bị khàn tiếng và qua 36 giờ đồng hồ sau toàn thân nóng ran, các khu vực vành tai, nách, bẹn, mũi lở loét phải nằm điều trị cả tháng liền.

“Biết sức hủy duyệt nhanh chóng của thứ chất bột trắng ấy nhưng không nghĩ rằng nó lại gây hậu quả lâu dài đến sau này” - ông Hùng đau đớn nói.

 Trở về sau chiến tranh, cơ thể ông Hùng thường xuyên đau nhức khi trái gió trở trời, có khi còn gây khó thở. Theo kết quả giám định y khoa, ông Hùng bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 40%. Và không chỉ dừng lại ở bản thân mình, 3 người con của ông sinh ra sau này cũng đều là nạn nhân chất độc da cam.

Theo kết quả giám định y khoa, đứa con trai đầu của ông Hùng tên Nguyễn Phi Hổ bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 20%, thần kinh không ổn định; đứa con gái thứ 2 tên - Nguyễn Thị Mai từ lúc sinh ra vùng cổ rất yếu, tay chân quặt quẹo, được bác sĩ chẩn đoán bại não; đứa con trai thứ 3 tên Nguyễn Thanh Trúc năm nay đang học lớp 11, từ lúc sinh ra cơ thể bình thường nhưng lớn lên em cũng thường hay đau đầu, thần kinh có lúc không ổn định.

Cô bé Mai (giữa) giàu nghị lực cùng bố mẹ của mình

 

Chứng kiến những đứa con sinh ra với những di chứng chất độc da cam, ông Hùng rất đau đớn. Những lúc ngồi lặng nhìn các con, ông Hùng luôn nặng trĩu nỗi lo. Điều ông lo nhất là những đứa con của mình không có đủ sức khỏe lao động, không biết sau này sẽ làm được gì sinh sống để không là gánh nặng cho xã hội.

Ngoài đứa con đầu không thể đến trường được vì thần kinh không ổn định, 2 đứa con còn lại của ông Hùng vẫn nỗ lực đến trường, đặc biệt là cô bé Mai.

Ông Hùng cho biết, từ nhỏ, dù không cầm được bút để viết nhưng Mai không chịu nghỉ học mà cứ bắt bố đưa đến trường. Ngồi trong lớp, không nói được rõ, không viết được chữ nhưng Mai vẫn chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài để về nhà tự mày mò học lại cho hiểu. Những chỗ không hiểu, em hỏi bố chỉ dạy thêm.

Năm lên lớp 6, Mai được bố mua cho một bộ máy vi tính từ số tiền dành dụm được để học tập. Cũng nhờ vào bộ máy vi tính này đã nuôi dưỡng cho cô bé ước mơ sẽ tốt nghiệp 12 và bước tiếp vào giảng đường đại học.

Mai nói: Tay em run và quặt quẹo nên không cầm bút viết được. Từ ngày có được bộ máy vi tính, em đã tự học cách đánh máy. Từ đó, việc học tập của em thuận lợi hơn. Em ước mơ sau này sẽ trở thành một lập trình viên tin học.

Quyết tâm thực hiện điều ước của mình, 12 năm học, Mai đều là học sinh khá, giỏi. Có những lúc sức khỏe không đảm bảo, bố mẹ động viên Mai nghỉ học nhưng thương bố, mẹ vất vả và nghĩ đến tương lai, em lại cố gắng vượt lên hoàn cảnh và nỗi đau. Nhìn thấy ý chí và nghị lực của cô học trò này mà ở trường, ở lớp, Mai luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến, giúp đỡ.

Kết thúc năm học 2017-2018, căn cứ vào sự nỗ lực và kết quả học tập của Mai, em đã được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ngành công nghệ thông tin của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Ông Hùng cho biết: Ngày nghe tin Mai được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cả gia đình tôi vui mừng không thể diễn tả hết cảm xúc. Vợ chồng tôi rất tự hào về cô con gái ngoan, hiền, giàu ý chí và nghị lực này và tự hứa với lòng sẽ động viên, giúp đỡ để con tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình trong điều kiện và sức khỏe cho phép.

Với đồng lương ít ỏi của mình và số tiền đi làm thuê của vợ hàng tháng, ông Hùng cho biết sẽ cố gắng tích góp để lo cho các con ăn học. Năm học mới đã bắt đầu, vợ chồng ông Hùng dự định đầu tư cho con gái một bộ máy vi tính mới để có điều kiện học tập tốt hơn trong môi trường đại học (thay cho bộ máy vi tính cũ đã mua từ cách đây 7 năm) nhưng vẫn chưa đủ điều kiện. “Dù vậy, nhưng con bé vẫn không dám đòi hỏi ở bố mẹ mình một điều gì vì biết hoàn cảnh gia đình khó khăn” - ông Hùng kể.

Còn cô bé Mai thì rất xúc động: Em thương bố mẹ lắm nên sẽ luôn cố gắng học tập. Em cầu mong sao bố mẹ luôn mạnh khỏe để lo cho chị em em được tiếp tục đến trường. Vì bây giờ dù em đã vào đại học nhưng do việc đi lại của em rất khó khăn nên hàng ngày bố vẫn phải đưa đón em đến trường.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác