15/08/2016 07:53
Chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Anh Khoa - tác giả trình duyệt KT Browser ở tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, cha và mẹ em Khoa là Nguyễn Đinh Viên, Phạm Đoàn Lệ Uyên đều là giáo viên dạy toán ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn (thị trấn Đăk Hà) kể những câu chuyện thú vị về con mình.
|
Ông Viên nhớ lại: Khi mới học lớp Chồi, thấy ba mẹ hát karaoke, Khoa cũng hát theo. Thấy vậy, tôi không hát tiếp bài, nhưng lại thấy Khoa vẫn cứ hát theo dòng chữ hiện ra màn hình. Ngỡ cu cậu thuộc kiểu "vẹt", tôi mở bài hát khác và thấy Khoa vẫn hát được theo kiểu trẻ con. Tôi hỏi sao hát được, Khoa bảo con biết đọc cái chữ đó.
Để thử con mình, cha mẹ Khoa lấy sách và báo ra, Khoa lại đọc được. "Hồi đó, vợ chồng tôi nghĩ có ai dạy cháu học đâu, mà cháu lại biết chữ?"- bà Lệ Uyên tiếp lời chồng. Bà Lệ Uyên cho biết, khi em Khoa vào lớp 1, cô giáo chủ nhiệm thường giao cho em phát vở cho các bạn trong lớp, chỉ vì lý do đơn giản là em biết đọc tên bạn trên vở nên giao nhiệm vụ này.
Những năm bé thơ, Khoa thường không tham gia các thú vui và những trò chơi trẻ con của bạn bè cùng trang lứa. Khi ấy, ông Viên và bà Lệ Uyên thấy lo. Đi dạy về thấy con không đi chơi, mẹ bảo đi chơi thì Khoa lấy xe đạp một vòng rồi về "báo cáo" con đã đi chơi xong.
|
"Niềm vui duy nhất của cháu là được ngồi trước máy vi tính. Năm học mẫu giáo, tôi mua máy tính về sử dụng, sau còn sửa chữa cho anh em, đồng nghiệp, hàng xóm, cháu cũng ngồi lại phá máy tính của tôi. Tôi cho cháu chơi thoải mái, vì tự tin mình biết sửa máy. Ai ngờ, suốt những năm cấp 1 và cấp 2, cháu đi học về là ngồi trước máy vi tính, không đi chơi đâu hết"- ông Viên thổ lộ.
Nghe chuyện cha mẹ kể, Khoa ngồi bên cười cười, thỉnh thoảng mới nói vài câu hài hước. Tôi hỏi em có ý tưởng viết trình duyệt KT Browser từ bao giờ, cậu bé bảo: Từ năm lớp 3 và đến mùa hè năm lớp 5, Khoa bắt tay vào tìm tòi, thực hiện mơ ước viết trình duyệt KT Browser.
Nghĩ là âm thầm làm, sau thời gian đi học, cậu bé về đến nhà là lao vào máy tính. Có điều, cả nhà khi ấy chỉ có một máy nên đợi ba mẹ làm việc xong, em Khoa mới có cơ hội nghiên cứu. Có khi, em tải về những phần mềm của các trình duyệt khác để hỗ trợ cho công việc của mình rồi lưu vào máy. Khi máy chạy chậm, cậu bé bị cha và mẹ nhắc nhở nhiều lần, thậm chí bị mắng la nữa. Những khi ấy, em chỉ cười, nhưng đam mê thì không giảm đi, cứ âm ỉ cháy hàng ngày.
Mỗi đêm qua đi, sau thời gian học bài, cậu bé lại ngồi trước máy, mày mò cho đến 1-2h sáng, đến khi ba mẹ nhắc em mới lên giường. "Nhưng nằm trên giường, mắt nhắm mà rất khó ngủ, vì luôn nghĩ đến những phần việc mình còn dang dở"- em Khoa thổ lộ.
Thấy con cứ ngồi trên máy tính suốt đêm, có lần cha mẹ Khoa cấm em không sử dụng máy vi tính. Lần ấy, Khoa cầu xin ba cho mình tiếp tục công việc. "Thực tình, vợ chồng tôi không tin cháu viết những trình duyệt kiểu này, mà chỉ lo sức khỏe của cháu. Vì vậy cháu chỉ được mua máy tính riêng hơn 2 năm nay thôi"- ông Viên giãi bày.
Năm lớp 7, cậu bé Khoa gửi phần mềm KT Browser đi dự thi tin học trẻ toàn quốc, nhưng không được giải gì. Lên lớp 8, Khoa tiếp tục viết phần mềm này và gửi dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc (Bộ GD-ĐT tổ chức, dành cho học sinh trung học) và giành giải Khuyến khích. Năm 2016, Khoa gửi Trợ lý ảo CENA dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia 2016 (Bộ GD-ĐT tổ chức) dành cho học sinh trung học và đạt giải Nhì.
Khoa cho biết em đã viết trình duyệt KT Browser trong vòng hơn 4 năm 7 tháng mới giới thiệu trên mạng và hiện vẫn chưa hoàn thiện. Vừa qua, sau khi KT Browser được giới thiệu đã có rất nhiều người dùng. Tuy nhiên, Khoa thổ lộ, mỗi ngày có trên 1.100 phản hồi về cá nhân và KT Browser, khen có, chê có và em "không ăn, không ngủ" để trả lời, xin những góp ý chân thành để em hoàn thiện tốt hơn trình duyệt này. "Em rất muốn có một người thầy để giúp em hoàn thiện sớm hơn sản phẩm này"- Khoa thật lòng.
Nói về tác dụng của KT Browser, Khoa cho biết, về ban đêm, KT Browser giúp giảm thiểu tỉ lệ ánh sáng xanh trong màn hình vi tính, mắt đỡ mỏi hơn. Trình duyệt này miễn phí, cho phép tăng tốc độ kết nối mạng; người dùng được hỗ trợ truy cập các trang web. Trình duyệt còn kết hợp tất cả các trình duyệt phổ dụng như: Google Chrome, Firefox, Internet Explorer...
PN- AP