Biến đất đồi thành trang trại

11/05/2018 13:04

​Đến làng Iệk (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) hỏi thăm ông Thao Nhất, 40 tuổi, người Xơ Đăng, mọi người ở vùng này ai cũng biết. Bởi vì, ông là một nông dân sản xuất giỏi có tiếng ở vùng đất ngã ba biên giới này.

Dẫn chúng tôi đi một vòng trong trang trại, vừa đi ông Thao Nhất vừa kể chuyện làm ăn của mình với bao thăng trầm. Ông nói rằng, trước đây, gia đình mình nghèo lắm, làm quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn, thiếu thốn trăm bề.

Suy nghĩ mãi, ông chợt nhận ra vùng đất đồi này có khả năng trồng cây lâu năm cho thu nhập cao hơn trồng các loại cây ngắn ngày. Nghĩ là làm, ông khai hoang 2ha đất để trồng cây cao su. Trồng được 2 năm, khi đó giá mủ cao su thấp quá nên nên ông lại phá bỏ để lấy đất trồng cây cà phê.

Không đủ vốn để đầu tư, ông bèn mượn tiền của bạn bè, người thân, mạnh dạn vay thêm vốn của ngân hàng để mở rộng diện tích đất canh tác lên 5ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông trồng nhiều loại cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc gia cầm để bán lấy tiền đầu tư cho vườn cây cà phê và xác định loại cây này có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập bền vững hơn.

Ông nuôi đàn bò tới 15-16 con, đàn heo mấy chục con, đàn gà vịt gần 100 con. Bên cạnh đó, ông còn thuê máy xúc đào 3.000m2 ao nuôi cá, vừa lấy nước tưới cho 3 ha cây cà phê, 6 sào cây chanh dây, vừa có sản phẩm thủy sản bán để kiếm tiền đi chợ.

Cứ túc ta túc tắc như thế, từ năm 2006 đến nay, trong trang trại 5ha khép kín của mình, vợ chồng ông vừa trồng cây, vừa chăn nuôi. Trồng mỳ 1 năm, thu hoạch xong thì bán lấy tiền đầu tư vào cây cà phê, mua thêm bò, cá giống về nuôi.

Với 3 ha cây cà phê gần 10 năm tuổi, những năm qua đã mang đến cho gia đình ông trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm. Còn nguồn lợi từ nuôi bò, heo, gà, vịt, cá cũng thu được hàng chục triệu đồng một năm. Bên cạnh đó, vườn chanh dây 6 sào của ông mới trồng được 5-6 tháng, nếu giá cả tốt lên thì cũng kiếm thêm được vài chục triệu đồng/vụ.

Ông Thao Nhất đang chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Q.Đ

 

“Còn một số cây ăn quả trồng trong trang trại như chuối, bơ, mít, ổi…, tuy nguồn thu không đáng kể nhưng thỉnh thoảng cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng để đi chợ mua vài thứ lặt vặt trong nhà!” –bà Y Gái, vợ ông Nhất giải bày.

Từ nghèo khó, trải qua mười mấy năm chăm chỉ làm ăn, biết tính toán trong chi tiêu, cuộc sống của gia đình ông hiện giờ đã ổn định với tổng thu nhập hàng năm từ 200-300 triệu đồng. Có điều kiện kinh tế, ông đã xây dựng được ngôi nhà ở khá khang trang; mua sắm đầy đủ các phương tiện đi lại, đồ dùng trong sinh hoạt gia đình, cho con cái đi học đàng hoàng.

Bà Hoàng Mai Liên – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bờ Y nhận xét: Ông Thao Nhất còn giúp đỡ một số hộ nghèo trong làng vươn lên thoát nghèo. Ông không ngại hướng dẫn các gia đình trong vùng một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời tạo điều kiện thuê mướn họ làm cho mình để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Còn ông Đinh Thế Hồi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi thì cho rằng: Trước năm 1999, gia đình ông Thao Nhất là hộ nghèo của thôn. Nhờ cách sống tiết kiệm, biết sử dụng đồng tiền làm ra để tái đầu tư mở rộng sản xuất nên đời sống gia đình ông ngày càng được cải thiện. Đến năm 2000, hộ ông Nhất được xét duyệt đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Từ đó đến nay, ông chí thú làm ăn, kinh tế khá giả nên đã trở thành một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.

Quang Định

Chuyên mục khác