03/07/2023 13:07
Đúng, mẹ của Nguyên - chị Chanh dù không lành lặn như bao người khác, nhưng bằng tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ, chị luôn nỗ lực mỗi ngày để nuôi dạy, để cho con phát triển một cách toàn diện nhất.
Cũng 6 năm nay, bây giờ mới có dịp vào thăm lại gia đình chị Chanh và anh Thái Trần Đăng. Khác với những năm trước còn ở nhà thuê, bây giờ, với sự hỗ trợ của các “mạnh thường quân”, cộng thêm sự nỗ lực, cố gắng gom góp, 2 vợ chồng anh chị đã xây dựng căn nhà cấp 4 nho nhỏ ở thôn 3, xã Đăk Cấm.
Trong ngôi nhà sạch sẽ, tươm tất, ở thôn 3, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum vợ chồng anh Thái Trần Đăng và chị Trần Thị Chanh vui mừng, tự hào khi chúng tôi hỏi về cậu con trai Khôi Nguyên. Nhớ ngày mang bầu con trai, cả hai vợ chồng chị vừa vui mừng, vừa nơm nớp lo sợ. Anh chị sợ không đủ tiền lo cho con; lo sợ con sinh ra không lành lặn, vì cả hai vợ chồng đều khuyết tật. Thế mà, trời thương, cậu con trai sinh ra lành lặn và bây giờ, nhắc đến Khôi Nguyên, ai cũng trầm trồ vì con học giỏi, nhanh nhẹn, thông minh, biết yêu thương bố mẹ. 5 năm nay, năm nào Khôi Nguyên cũng hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện ở trường.
|
Từ ngày sinh con ra, vợ chồng chị Chanh dành hết tình yêu thương cho con. Chị Chanh rưng rưng nói rằng, chị không lành lặn, không hoàn hảo, nhưng tình yêu thương của chị dành cho con là vô bờ bến.
Chị cho biết, những ngày con còn nhỏ, chưa đi học, 2 vợ chồng anh chị đi làm từ sáng sớm, không quản nắng mưa để kiếm tiền lo cho con. Những năm trở lại đây, khi con trai Khôi Nguyên đi học, mỗi sáng, chị đều sắp xếp, dành thời gian lo cho con ăn uống đàng hoàng, cho con đi học rồi mới trở về và đi làm.
Công việc của anh chị là bán vé số. Chị bị chứng lùn bẩm sinh còn anh bị teo cơ bẩm sinh. Hằng ngày, hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe ba bánh đến khắp nơi để bán. Bán từ sáng đến trưa, vợ chồng anh chị lại tranh thủ trở về để kịp đón con và lo cho con những bữa ăn chu đáo. Chiều, sau khi chở con đi học trên trường, anh chị lại tranh thủ lên đường.
Tối đến, dù hơn 8h mới trở về nhà, nhưng anh chị đều sắp xếp để quán xuyến việc học của con, cùng con tâm sự, lắng nghe con nói. Giờ đi ngủ với gia đình chị thật hạnh phúc, đó là khoảng thời gian chị ôm con vào lòng, thủ thỉ yêu thương, nghe con nói, nghe con thở, nhìn con chìm vào giấc ngủ.
Chị Chanh tủi thân nói rằng, chị lo sợ con sẽ mặc cảm vì có cha mẹ là người khuyết tật. Nhưng không, khi con được trao yêu thương, cảm nhận được tình yêu thương từ tận đáy lòng của ba mẹ, con luôn tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà tràn đầy tình thương.
|
Lật giở quyển vở mà Khôi Nguyên viết về mẹ, đôi mắt chị Chanh có chút buồn, chút vui, hạnh phúc và cả tự hào. Nguyên viết: “Mẹ em là một người mẹ có số phận không may mắn như bao người khác. Vừa chào đời, mẹ đã mắc chứng lùn bẩm sinh. Nhưng đối với em, mẹ là một người mẹ rất phi thường. Em luôn tự hào và biết ơn mẹ, vì những gì tốt đẹp nhất, lành lặn nhất, mẹ đã dành cho em. Mẹ giữ hết phần xấu về mẹ, để cho em thân xác như hôm nay”.
Quả thật, những câu văn chân chất của Khôi Nguyên chính là những lời động viên, là sự sẻ chia, thấu hiểu nhất đối với mẹ, cho chị Chanh thêm động lực để sống, để phấn đấu, để nuôi dạy con nên người.
Cuộc sống của gia đình chị Chanh, so với trước đã đỡ chật vật hơn rất nhiều, nhưng khó khăn vẫn luôn hiện hữu. Mỗi ngày, hai vợ chồng anh chị tần tảo bán vé số, cũng chỉ kiếm được từ 120-150 nghìn đồng. Cộng thêm khoản trợ cấp dành cho người khuyết tật, tổng thu nhập được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chị Chanh nói rằng, anh chị phải vun vén, lên kế hoạch chi tiêu rất hợp lý. Chị không lo chuyện ăn uống, vì anh chị nhín nhịn, mắm muối rồi cũng qua ngày. Điều chị lo nhất chính là việc học của con.
“Vợ chồng anh chị phải cố gắng tích góp từ bây giờ để có tiền cho con đi học. Nay mai, khi lên cấp II, cấp III, anh chị cũng tính đến chuyện đưa đón cháu đi học thêm, cho cháu học theo trường mình mong muốn để cháu có cơ hội theo đuổi ngành nghề mình thích. Sinh ra trong gia đình khuyết tật, cháu đã thiệt thòi nhiều, chị luôn muốn bù đắp, cố gắng lo cho con để tương lai của con không mù mịt” – chị Chanh chia sẻ.
Biết con mê đọc sách, mỗi ngày đi bán vé số, chị Chanh luôn tìm kiếm, xin sách về cho con đọc. Rồi khi con tham gia các cuộc thi ở trường, ở thành phố, anh chị đều động viên con. Chị là người mẹ, người bạn và người đồng hành với con. Chị luôn tự hứa, không quá kỳ vọng và không gây áp lực trong việc học cho con, chỉ lắng nghe, động viên để tạo thêm niềm tin, động lực cho con trong cuộc sống.
Rời ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng và tràn ngập tiếng cười, tôi tin rằng, khi được sống trong mái ấm hạnh phúc, Khôi Nguyên sẽ hiểu chuyện, sẽ biết yêu thương và không phụ công sinh thành của cha mẹ để sau này sớm trở thành người hữu ích cho xã hội.
HOÀI TIẾN