Bác sĩ Sa Cường với 20 lần tình nguyện hiến máu

28/03/2017 08:15

​Bác sĩ Sa Cường hiện đang công tác tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Tích cực các hoạt động tình nguyện xã hội, anh đã tình nguyện hiến máu 20 lần, và được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên dương, tặng giấy khen giai đoạn 2011 - 2015.

Nghĩa cử cao đẹp

Bác sĩ Sa Cường sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô). Tốt nghiệp Học viện Quân y với chuyên ngành bác sĩ đa khoa, năm 2008, anh nhận công tác tại Trạm Y tế xã Kon Đào (huyện Đăk Tô). Từ năm 2015 đến nay, bác sĩ trẻ này chuyển công tác về Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Câu chuyện hiến máu cứu người của anh bắt đầu từ những ngày học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Vào cuối năm học lớp 12 (năm 2002), một thầy giáo bị tai nạn giao thông mất khá nhiều máu và thuộc nhóm máu hiếm cần nguồn máu truyền khẩn cấp. Cường kể, lúc nghe các bạn bảo thầy giáo có nhóm máu hiếm gặp, trong khi “ngân hàng lưu trữ máu” ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại đang khan hiếm, nên vận động toàn thể nhà trường hiến máu tình nguyện. Nghe thế, Cường đã đi đăng ký hiến máu và Cường đáp ứng các chỉ số yêu cầu để tiếp máu cho bệnh nhân.

Cường nhớ lại: Lúc đó, tôi có cảm giác hồi hộp lắm. Nhưng rồi, được thầy cô giáo động viên; rồi, quá trình được chọn và lấy máu, có bác sĩ trực trò chuyện nên vơi bớt lo lắng. Các bác sĩ lúc ấy còn giải thích việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, ngược lại giúp bản thân thay đi lượng máu cũ và sản sinh lượng máu mới nhiều hơn. Hiến máu cũng là nghĩa cử nhân đạo, góp phần cứu sống mạng người trong cơn nguy kịch…

Bác sỹ Sa Cường có 20 lần hiến máu nhân đạo. Ảnh: M.T

 

Anh bảo, chính sự tình cờ này cũng là cái duyên, để rồi, sau khi tốt nghiệp THPT Cường đã chọn học tại Học viện Quân y và khi ra trường về công tác trong ngành Y tế tỉnh cho đến nay.

Suốt thời gian học ở trường, Cường tiếp tục đăng ký tham gia vào câu lạc bộ hiến máu tình nguyện ở trường. Mỗi năm, anh hiến máu ở “ngân hàng máu sống” ở Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) từ 2-3 lần.

Cường cho biết, bản thân có nhóm máu B, thuộc dạng hiếm và nhưng có thể cho được các nhóm máu khác. Ý thức được ý nghĩa của hành động tình nguyện này, anh luôn quan tâm đến chế độ sinh hoạt cá nhân, để đảm bảo khi tham gia lấy mẫu máu nhân đạo đều đạt yêu cầu đề ra. Trong chế độ ăn uống, bản thân anh thường chú ý bổ sung các loại rau xanh, thịt trứng có nhiều chất dinh dưỡng, sớm tái tạo lại lượng máu mới. Hơn nữa, anh hạn chế uống bia rượu, tuyệt đối không hút thuốc lá và không thức quá khuya. Nếp sinh hoạt này luôn được anh giữ lâu dài ở trường và đến tận hôm nay.

Sáu năm học ở Học viện Quân Y, anh đã có 14 lần hiến máu cho bệnh nhân. Năm 2008 đến nay, ra trường và công tác ở các đơn vị khác nhau trong tỉnh, bác sĩ Cường vẫn âm thầm đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo. Cho đến nay, anh Cường có đến 20 lần hiến máu cứu người.

Bác sĩ của dân làng

Không chỉ tích cực trong tham gia hiến máu nhân đạo, trong quá trình công tác, anh còn tích cực phối hợp với các đồng nghiệp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con.

“Bà con ở vùng sâu, vùng xa đời sống khó khăn, nhận thức cũng hạn chế, còn nhiều phong tục, nếp sinh hoạt lạc hậu, dễ bị bệnh tật, nhưng không có ý thức đi trạm xá điều trị bệnh. Bên cạnh nhiệm vụ trực khám và cấp phát thuốc chữa bệnh cho nhân dân, tôi và anh chị em đồng nghiệp còn tham mưu cấp trên xây dựng kế hoạch, tình nguyện về làng tuyên truyền, vận động phòng chống dịch bệnh và việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường…” - anh Cường bộc bạch.

Anh còn kể, nhiều hôm anh chị em hoàn thành công việc phụ dân phát quang bụi rậm, dọn dẹp các vật dụng chứa nước quanh nhà, hướng dẫn cách treo màn khi ngủ, nhằm phòng tránh căn bệnh sốt rét; mọi người đã động viên nhau vào tận rẫy của các hộ ở xa, để tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, cấp các dụng cụ phòng tránh thai miễn phí. Nhiều hôm thứ Bảy, Chủ nhật mải đi đến nhà bà con, khi quay xe máy ra về, ngoài đường đã lên đèn...

Anh bảo, chọn công việc ngành Y là chọn sự vất vả, chọn nhiều rủi ro khi không may mắc các dịch bệnh trực tiếp, rất nhanh nhất từ bệnh nhân, nhưng đã chọn nghề thì phải biết hy sinh và đam mê nên anh luôn chăm chỉ làm việc mỗi ngày.

Qua trò chuyện, anh cho biết thêm, năm 2015 đến nay, dù chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn (Phòng Kế hoạch – Tài chính của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, anh vẫn tranh thủ ngày thứ Bảy tham gia hoạt động tình nguyện do Câu lạc bộ “Thầy thuốc trẻ” của ngành Y tế tỉnh tổ chức làm công tác tình nguyện xã hội về vùng sâu.

Tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, bác sĩ Sa Cường đã và đang cùng các đồng nghiệp theo dõi, nghiên cứu và tham mưu Sở Y tế thực hiện tích cực kế hoạch điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020.

Anh và các y bác sĩ khác ngoài công tác hành chính ở trung tâm, thời gian rảnh thường xuyên tình nguyện hỗ trợ, tư vấn cho người thân và 125 bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy theo phương pháp mới.

Hàng tuần, anh và các đoàn thanh niên còn tổ chức giao lưu thể dục thể thao, tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân có các chuyển biến tích cực trong điều trị cai nghiện ma túy về định hướng học nghề, tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Ghi nhận quá trình công tác của bác sĩ Sa Cường, lãnh đạo các đơn vị đều có đánh giá anh là bác sĩ trẻ năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong công việc, nhiệm vụ được giao. Nhiều năm công tác, anh được ngành Y tế tặng giấy khen, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên dương về công tác hiến máu nhân đạo.

Mai Trâm

Chuyên mục khác