Ấm lòng bếp cơm thiện nguyện ở Đăk Tô

13/10/2021 11:09

Thời gian qua, các thành viên của bếp ăn thiện nguyện K – Ngọc, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô đã nấu và phát hơn 10.000 suất cơm để động viên, chia sẻ khó khăn với người dân trở về từ các tỉnh phía Nam đi ngang qua địa bàn huyện.

Bếp cơm thiện nguyện K – Ngọc của bà Nguyễn Thị Sinh, khối 4, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô thành lập từ tháng 7/2017. Nhóm có trên 20 thành viên, duy trì hoạt động đều đặn, vào thứ 3, thứ 6 hằng tuần, nhóm tổ chức nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân là đối tượng người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hiện đang điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện.

Những ngày gần đây, bếp ăn của bà Sinh dường như nhộn nhịp, rộn ràng tiếng cười nói hơn, bởi các thành viên đang tham gia nấu và phát cơm cho đoàn người dân trở về từ các tỉnh phía Nam đi ngang qua địa bàn huyện. Mỗi suất cơm có đầy đủ dinh dưỡng với cơm nóng, cá, thịt, đậu, rau xanh, canh, còn có cả những phần bánh ngọt, cháo dinh dưỡng cho các em nhỏ. Những nguyên liệu nấu ăn được lựa chọn, đảm bảo tươi sống, an toàn. “Khi nấu ăn, các thành viên trong nhóm đều tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, mọi người đều đã được tiêm 1-2 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19” - bà Sinh nói.

Đến nay, bếp cơm của bà Sinh đã nấu và phát hơn 10.000 suất. Ảnh: NH

 

Bếp ăn thiện nguyện của bà Sinh thường xuyên nhận sự ủng hộ bằng tiền mặt và thực phẩm từ các mạnh thường quân, tất cả đều được công khai minh bạch. Tính từ khi các đoàn từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về địa phương ngang qua địa bàn huyện, bếp cơm của nhóm đã nấu và phát trên 10.000 suất cơm, đỉnh điểm có những ngày trên 1.700 suất. Ngay sau khi cơm được nấu chín và đóng hộp đảm bảo vệ sinh, gia đình bà Sinh sẽ vận chuyển đưa lên xe ô tô của gia đình, kết hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông huyện vận chuyển tập kết đúng nơi quy định để đảm bảo phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Sáu, khối 5, thị trấn Đăk Tô chia sẻ: “Tôi rất vui khi tham gia bếp cơm từ thiện K – Ngọc, được góp một phần công sức giúp đỡ các đoàn người đi ngang qua huyện”.

Không chỉ hoạt động thiện nguyện, thông qua bếp cơm, từ đầu mùa dịch, bà Sinh cùng với gia đình đã quyên góp nhu yếu phẩm ủng hộ cho tuyến đầu phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hiện vật trên 54 triệu đồng. Có thể nói, bếp cơm thiện nguyện của bà Nguyễn Thị Sinh là một trong các cách làm hay, mang đầy ý nghĩa nhân văn, sự yêu thương và chia sẻ, thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân huyện Đăk Tô với cộng đồng, góp phần tiếp thêm sức mạnh cùng cả nước vượt qua đại dịch.

Nguyệt Hằng

Chuyên mục khác