A Pưn - Người thôn trưởng dân quý, dân tin

10/01/2017 14:13

​Lời nói đi đôi với việc làm, ông A Pưn – Thôn trưởng Kon Tum Kơ Pâng, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) gương mẫu đi đầu trong mọi công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình để bà con dân làng tin theo, nghe theo và làm theo. Thôn trưởng A Pưn luôn được bà con dân làng tin yêu, quý mến…

Cuối tháng 12/2016, thôn Kon Tum Kơ Pâng tổ chức bầu lại thôn trưởng theo quy định. Dù đã xin rút lui để nhường lại vị trí cho người trẻ phát huy nhưng ông A Pưn vẫn tiếp tục được dân làng tín nhiệm bầu lại làm Trưởng thôn. Tính đến nay, A Pưn đã có đến 4 nhiệm kỳ làm Thôn trưởng thôn Kon Tum Kơ Pâng.

Ông A Pưn được dân làng Kon Tum Kơ Pâng quý mến vì là người uy tín, giỏi giang, gương mẫu, lời nói luôn đi với việc làm và hay giúp đỡ mọi người.

Ngay khi còn là thanh niên, A Pưn đã nổi tiếng siêng năng, chăm chỉ. Ngoài phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, ông còn tự thuê đất để trồng mì, trồng bắp. Số tiền dành dụm được, ông đầu tư mua đất rẫy, mua 5 - 6 con bò để lấy phân bón chăm bón cây trồng. Thời điểm ra riêng lập nghiệp, A Pưn đã có trong tay 5ha đất trồng mì, bắp, mía… Bây giờ, diện tích đất sản xuất của gia đình ông đã mở rộng lên hơn 10ha.

Thường ngày, người làng ít khi nào thấy vợ chồng A Pưn ở nhà. Hết mùa gặt lúa, vợ chồng A Pưn lại đi bẻ bắp, nhổ mì... nên sân phơi của gia đình ông lúc nào cũng đầy ắp nông sản.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, A Pưn là người đầu tiên trong làng chuyển đổi đất trồng mì sang trồng bời lời, cao su, cà phê. Hiện, gia đình A Pưn trồng gần 4ha mì, 2ha mía, gần 3ha bời lời, 1ha cao su, gần 1ha cà phê (là hộ duy nhất ở thôn Kon Tum Kơ Pâng chuyển đổi trồng cà phê).

Ông A Pưn thường chia sẻ với dân làng, muốn làm kinh tế giỏi, phải biết học hỏi cách thức làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trong trồng trọt phải biết sử dụng phân bón cho cây trồng, trong đó chú ý nguồn phân chuồng để cải tạo đất.

Mỗi lần ruộng rẫy của gia đình mình đến đợt bón phân, A Pưn thường nghĩ cách thuê bà con đến phụ giúp gia đình mình (có trả công), nhưng lại đứng ra hướng dẫn họ cách thức sử dụng và bón phân liều lượng nhằm trực tiếp truyền đạt kỹ thuật chăm bón cây trồng. Đến nay, các hộ gia đình trong thôn có đất canh tác ruộng rẫy đều sử dụng phân bón chăm bón cây trồng cho năng suất, sản lượng cao.

Không chỉ sản xuất giỏi, A Pưn còn năng nổ trong công tác xã hội, nhất là trong công tác từ thiện xã hội, ông luôn là người nhiệt tình, hăng hái. Kể từ khi làm Trưởng thôn đến nay, ông A Pưn cũng đã kêu gọi hỗ trợ từ nhiều nguồn triển khai xây dựng được 37 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo trong thôn.

Bên cạnh mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà từ nguồn của Mặt trận, phụ nữ, cựu chiến binh cấp trên dành cho người nghèo, bản thân ông A Pưn đã đứng ra vận động các gia đình đóng góp thêm tiền hoặc kêu gọi bà con dân làng chung tay giúp đỡ thêm cát, sỏi, gỗ…, nâng tổng trị giá căn nhà lên khoảng 40 triệu đồng để đảm bảo chất lượng.

Thôn Kon Tum Kơ Pâng nằm ở nội thành Kon Tum, đất chật, người đông, mặt trái của lối sống thành thị len lỏi vào đời sống một bộ phận giới trẻ, tạo nên những hệ lụy nhất định. Để hạn chế những tệ nạn xã hội xảy ra, 5 năm nay, ông A Pưn còn được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố của thôn, rồi Phó Ban Bảo vệ dân phố của phường Thắng Lợi. Với "vai trò kép" này, ông A Pưn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dân làng không được nhậu nhẹt say xỉn quậy phá, thay vào đó phải lo làm ăn; không nghe lời xúi giục của kẻ xấu…

Ông A Pưn (thứ 2, từ trái sang) làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự. Ảnh: TQ

 

Ông còn vận động 7 thanh niên khác trong thôn cùng tham gia vào Ban bảo vệ tổ dân phố của phường để góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Mỗi tuần, ông A Pưn có 4 đêm xuống thôn đi tuần để nhắc nhở thanh niên; an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Nhiều năm nay, ông A Pưn còn vận động nhiều trường hợp từ bỏ đánh số đề, để dành tiền bỏ ống heo tiết kiệm. Học tập và làm theo đức tính tiết kiệm của Bác Hồ, ông A Pưn đã làm gương trước để bà con làm theo. Cụ thể, mỗi ngày ông đều dành vài chục ngàn đồng, có khi cả trăm ngàn đồng (tùy theo thu nhập) để bỏ ống heo. Cuối năm, khui ống heo ra, ông A Pưn dùng số tiền tích góp mua bò hoặc đầu tư sản xuất.

Đến nay, nhiều hộ dân trong thôn cũng đã học hỏi và làm theo cách tiết kiệm của ông A Pưn, nên nhiều hộ cũng đã mua được nhiều vật dụng đắt tiền trong gia đình như bàn, ghế, ti vi, xe máy… Năm 2016, thôn Kon Tum Kơ Pâng có 9 hộ thoát nghèo, giảm tỉ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 39 hộ, chiếm tỉ lệ 12%.

Ông A Pưn chia sẻ, muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ngoài việc chăm chỉ, bà con phải biết tính toán làm ăn, chi tiêu tiết kiệm…

Ông A Pưn cho biết, để tiếp tục giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thôn cũng đã tính đến giải pháp ngoài vận động bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng trên một đơn vị diện tích đất canh tác, cũng sẽ vận động bà con chuyển đổi ngành nghề, vì quỹ đất sản xuất hạn hẹp.

Tú Quyên

Chuyên mục khác