A Huynh – Nghệ nhân trẻ đa tài

01/08/2016 08:05

Người trẻ như anh, làm được các nhạc cụ dân tộc đã là hay, là giỏi, ấy thế mà anh còn xuất sắc khi có thể chơi thành thạo, điêu luyện các nhạc cụ truyền thống do chính mình làm nên...

A Huynh dành ra một khoảng nhỏ trong ngôi nhà sàn của mình ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) để giữ gìn các loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống do chính bàn tay của mình làm ra. Và đâu chỉ có tài chế tác, nghệ nhân tuổi 37 này còn điệu nghệ, điêu luyện thả hồn vào từng loại nhạc cụ, làm say lòng người nghe bởi những thanh âm trong trẻo, mang đậm hơi thở của núi rừng.

Nổi tiếng với đàn đá

Xếp 12 viên đá với kích thước khác nhau lên trên một chiếc bàn gỗ, A Huynh lấy dùi gõ vào từng viên đá, tạo nên một bản nhạc hấp dẫn để chào đón những vị khách lần đầu tiên đến nhà. Bất ngờ, thú vị. Đó là cảm xúc đầu tiên của chúng tôi khi được nghe những âm thanh trong trẻo phát ra từ những viên đá với hình dạng rất đỗi bình thường. Càng ngạc nhiên hơn khi biết, đây không phải là bộ đàn đá đầu tiên của A Huynh, dù việc sáng tạo ra một bộ đàn đá cũng khá dày công, tốn sức.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào làm đàn đá, A Huynh bảo rằng, lúc đó anh cứ nghĩ làm đàn đá để gõ hát nghêu ngao cho đỡ buồn khi ở trên rẫy xa. Nhưng ngờ đâu, những âm thanh với những cung bậc rõ các nốt đồ, rê, mi, pha, son, la ấy lại làm ngất ngây dân làng. Rồi bộ đàn đá tưởng chừng chỉ ở trên rẫy ấy được chàng trai trẻ đem về nhà cùng bà con dân làng vui vẻ trong những ngày lễ hội, những đêm trăng tròn.

Vươn ra khỏi ngôi làng, chẳng biết tự bao giờ, cái tên A Huynh được biết đến với “danh hiệu” là nghệ nhân đàn đá. A Huynh được đi diễn ở huyện, ở tỉnh rồi được ra tận Hà Nội… “Vui lắm! Tự hào lắm!” – A Huynh bảo vậy.

Tiếng lành lan xa, nhiều người tìm đến tận ngôi nhà nhỏ của A Huynh chỉ để “mục sở thị” bộ đàn đá, để được tận tai nghe nông dân A Huynh đánh đàn. Và rồi, mười người như chục, ai cũng thích, ai cũng say, cũng mê tiếng đàn trong trẻo được phát ra từ những hòn đá sần sùi ấy.

Làm đàn đá dù không vất vả lắm nhưng lại rất kì công, tốn thời gian, mất công sức. Ấy vậy nhưng khi nghe mọi người thích, muốn xin,  A Huynh lại sẵn lòng đem biếu. “Họ thích thì mình tặng thôi, đó cũng là một cách giới thiệu cái hay, cái đẹp mà”- A Huynh nói. Bởi vậy, hết làm bộ này, A Huynh lại lên khu vực quanh cái chòi ở trên rẫy để tìm đá về làm bộ khác.

“Khó chỉnh âm lắm! Bộ đàn đá cũng như một bộ chiêng vậy, mình phải lấy nốt chuẩn rồi từ nốt đó mới bắt đầu chỉnh những viên khác cho phù hợp” – anh A Huynh cho hay. Tìm được những viên đá cho phù hợp đã khó, cắt gọt từng viên để tạo ra đúng âm sắc, đúng nốt càng khó hơn. Mất thời gian, mỏi mắt, mỏi tai, đau cả đầu, thế nhưng, với đam mê của mình, cứ rảnh rỗi, anh Huynh lại mày mò, cắt gọt làm nên bộ đàn độc đáo và thú vị này.

Không chỉ làm, anh A Huynh nói rằng, hễ ai muốn học, anh đều tận tình và hướng dẫn ngay. Âm thanh rất lạ, rất cuốn hút thế nhưng để hiểu, cảm thụ và để những viên đá trở nên… biết nói, biết hát thì lại không đơn giản. Bởi vậy, từ ngày anh sáng tạo ra được bộ đàn đá, dù rất nhiều người muốn nghe nhưng không có mấy tỏ ý muốn học đàn.

A Huynh điệu nghệ đánh đàn T'rưng. Ảnh: B.A

 

Đa tài

Đánh đàn đá cho chúng tôi nghe xong, A Huynh liền vào trong nhà lấy ra cây đàn ting ning rồi khoe: “Mình mới làm xong đấy”. Chẳng cần chúng tôi bảo, đôi bàn tay A Huynh liền điệu nghệ gảy lên từng dây đàn với những nốt du dương, trầm bổng. Nhìn A Huynh đánh đàn nhuần nhuyễn, chẳng ai nghĩ rằng chàng trai này chưa hề được học qua trường lớp âm nhạc nào. Nhưng đó là sự thật. Không qua một trường lớp nào, cũng chẳng được ai “cầm tay chỉ cách làm”, vì quá yêu nhạc cụ dân tộc nên anh nhìn những người già trong làng làm rồi học lỏm, làm theo. “Mới đầu cũng làm hư, làm sai nhưng từ từ rồi mình cũng quen, nay thì làm thành thạo rồi. Các ông già trong làng hay ghé đến, thấy làm xong lại xin về nhà đánh nên nay mình chỉ còn một cái này thôi chứ trước đây làm nhiều lắm” – anh A Huynh chia sẻ.

Đâu chỉ có ting ning, chúng tôi thật sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến góc phòng nhỏ chứa đầy các “bảo bối” – nhạc cụ, vật dụng truyền thống do chính tay anh chế tác. Những cây đàn quen thuộc như: đinh pút, đàn kní cho đến cây tiêu, đàn bro bom rồi cả cây nỏ… đều được để gọn gàng, ngăn nắp, không một lớp bụi mờ.

Anh cho biết, cũng như ting ning, tất cả các nhạc cụ khác anh đều học lỏm từ những người già trong làng. Anh cười rồi bảo, hình như anh cũng có tí tài lẻ nên chỉ cần nhìn qua là biết làm ngay. Tất nhiên cũng phải sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng qua những lần làm hỏng, anh tự rút kinh nghiệm rồi làm thành thục hơn.

Làm nhạc cụ, với anh, ngoài việc âm chuẩn, hay, nhạc cụ còn phải đảm bảo tiêu chí bền, đẹp. Vậy nên, anh học cách làm và tự tìm, nghiên cứu thêm cách bảo quản. Anh nói rằng, với đàn t’rưng, nhiều người chỉ chặt lồ ô về, phơi và làm ngay. Còn anh, để cây đàn được chắc, bền, âm thanh vang vọng, sau khi lấy lồ ô về, anh còn đem luộc qua bằng nước sôi rồi phơi trong bóng râm để lồ ô khô từ từ cho khỏi bị nứt. Đặc biệt, để ý đến tiêu chí thẩm mỹ nên anh rất kì công trong việc làm giá đỡ. Không chỉ đứng vững, giá đỡ đàn t’rưng của anh còn chắc, các đường nét được cắt, gọt gọn gàng.

Người trẻ như anh, làm được các nhạc cụ dân tộc đã là hay, là giỏi, ấy thế mà anh còn xuất sắc khi có thể chơi thành thạo, điêu luyện các nhạc cụ truyền thống do chính mình làm nên. Dù các nhạc cụ như kní, bro bom rất khó đánh nhưng anh lại đánh rất hay, ngây ngất lòng người. Bởi vậy, các ông già trong làng thường hay tìm đến nhà anh để nghe anh đánh đàn rồi học thêm cách đánh đàn của anh.

Không chỉ đánh đàn điêu luyện, anh A Huynh còn là một trong những thành viên kỳ cựu trong đội cồng chiêng của làng. Anh cùng bà con tham gia lưu diễn, thi thố đánh chiêng. Và bất kể một lễ hội nào, đều không thể vắng mặt A Huynh. Đặc biệt, ngoài các nhạc cụ dân tộc, A Huynh còn được biết đến là một “tay” chế tạo và bắn nỏ rất cừ khôi. Anh làm nỏ rất chắc, chuẩn và anh còn sáng chế ra “khe ngắm tự động” để bắn đâu trúng đó.

Với tài năng của mình, A Huynh đã được nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. “Mình rất vui và rất tự hào khi được nhận danh hiệu này nhưng điều quan trọng nhất chính là mình hạnh phúc vì có thể làm theo đam mê. Sau này không biết sẽ thế nào nhưng bây giờ, với mình, nhạc cụ, âm nhạc truyền thống là cuộc sống. Mình sẽ làm, sẽ giữ gìn cho đến khi nào còn có thể” – nghệ nhân trẻ - A Huynh chia sẻ. 

Chia tay A Huynh – nghệ nhân trẻ đa tài với niềm đam mê âm nhạc truyền thống sâu sắc, cảm giác lâng lâng vui như mãi còn. Thật sự vui mừng khi giữa nhịp sống hiện đại, vẫn có một nghệ nhân trẻ đam mê nhạc dân tộc như A Huynh. Và cùng với các nghệ nhân trẻ khác, A Huynh đã đem lại tia hi vọng: nhạc cụ, âm nhạc truyền thống vẫn có người “nối dõi” và tiếp tục phát huy.

Bình An 

Chuyên mục khác