A Gin - Người “khiêng cái nhà xuống núi” ở Rờ Kơi

19/09/2016 08:59

Nghe chuyện “khiêng cái nhà xuống núi” mới đầu ai cũng giật mình, bởi người Hà Lăng bao đời nay chưa ai dám trái lời ông bà, trái với Yàng. “Đỉnh núi là của trời, dưới núi là của ma”, “người chỉ ở lưng chừng núi, làm sao xuống ở với con ma?”

Thuở trước, không biết bao nhiêu mùa rẫy trôi qua, người Hà Lăng ở Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) sống du canh, du cư giữa đại ngàn, chịu cảnh nghèo đói, cực khổ, bệnh tật... Giờ đây, Rờ Kơi có điện, đường, trường, trạm; người Hà Lăng đã no ấm, đủ đầy, không còn cảnh chịu đói, chịu rét... Diện mạo nông thôn mới dần hiện hữu trên vùng đất biên cương một thời nghèo khó.

Điều diệu kỳ ấy bắt đầu cùng sự đi lên của đất nước, trong đó có công sức không nhỏ của A Gin - người Bí thư đầu tiên của xã Rờ Kơi đã vượt qua mọi rào cản khắc nghiệt của tập tục và tín ngưỡng, đưa người Hà Lăng từ bỏ kiếp sống hoang sơ giữa núi rừng về với cộng đồng, ổn định cuộc sống mới, chung sức xây dựng quê hương.

Trong ngôi nhà cấp 4 giữa làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, chúng tôi nghe già A Gin kể lại câu chuyện “cổ tích” của thế kỷ XX.

Thời ấy, đã lâu lắm rồi, A Gin còn là một cậu bé. Cha mẹ mất sớm, cậu ở với chú, chuyện “đi học” chưa bao giờ có trong cái đầu non nớt của cậu bé A Gin suốt ngày bám nương rẫy. Rồi một ngày lên rừng, A Gin gặp bộ đội, và từ đó, cậu bé A Gin đã trở thành “người của cách mạng”.

Ông A Gin bàn chuyện làm ăn với con cháu. Ảnh: D.Đ.N

 

Sau 25 năm trong quân ngũ, đất nước hoàn toàn giải phóng, A Gin trở về ngôi làng xưa giữa miền biên cương heo hút. Đất nước độc lập đã 3 năm rồi (năm đó là 1978) nhưng quê hương cũng chưa có gì đổi thay. Người Đại úy quân đội phục viên luôn ray rứt, trăn trở: Làm sao để dân làng hết khổ, làm sao để người Hà Lăng vươn lên cùng các dân tộc khác?

Năm 1980, đơn vị hành chính xã Rờ Kơi được thành lập, A Gin được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ xã. Bao dự định ấp ủ, giờ có điều kiện thực hiện, A Gin bàn với bà con chuyện dời làng, định canh định cư.

Nghe chuyện “khiêng cái nhà xuống núi” mới đầu ai cũng giật mình, bởi người Hà Lăng bao đời nay chưa ai dám trái lời ông bà, trái với Yàng. “Đỉnh núi là của trời, dưới núi là của ma”, “người chỉ ở lưng chừng núi, làm sao xuống ở với con ma?” - Bà con bấy giờ nghĩ thế. Có người còn nói: “A Gin muốn người Hà Lăng chết hay sao?”

Lúc ấy, A Gin kiên trì giải thích, vận động. Bao đêm không ngủ, trằn trọc, tìm cách vận động, thuyết phục bà con mái đầu của A Gin bạc hơn một nửa…

Rồi dân làng cũng nghe ra, theo lời A Gin đưa nhau xuống núi. Lúc bấy giờ, trong bụng đã mừng, nhưng A Gin lại thấy lo… Bởi vì, theo lời A Gin, xuống núi là có điện, có đường… Nhưng, bà con xuống núi rồi, điện chẳng có, đường sá cũng không, bốn phía chỉ là một màu cỏ úa; dân các làng bắt đầu xôn xao, bán tín bán nghi lời A Gin.

Chiều hôm đó, A Gin đang bàn công việc với mấy người từng tham gia cách mạng thì bỗng có tiếng chân chạy rầm rập, rồi tiếng la hét: “Thằng A Gin nói láo, bắt giết nó đi!”. Ngó ra, hơn hai chục người mặt đỏ tía vì tức giận xô cổng xông vào.

Lúc này, A Gin bước ra từ tốn: A Gin đây, muốn giết cũng được nhưng phải để cho nói vài lời đã… Bà con nghĩ lại xem, làm cây lúa cũng phải tám con trăng mới có ăn. Nuôi con bò cũng phải hai năm mới đẻ được. Bà con mới xuống núi một tháng đã đòi ngay mọi thứ. Cách mạng cũng như mẹ nhiều con, lo xong đứa này sẽ tới đứa khác, không bao giờ sai lời. Đánh thằng Mỹ ngày xưa đấy, cách mạng nói nhất định thắng, có sai không?

“Có lý nên thấy “nó” cứ bình tĩnh như không. Người nói láo không như thế được…” - đám người lặng lẽ nhìn nhau rồi đi về.

Chuyện xảy ra làm A Gin suy nghĩ rất nhiều. Việc trước mắt là giải quyết cái đói đang hoành hành, bụng có no thì cái đầu mới sáng, mới yên cư trên vùng đất mới này…

Cánh đồng Rờ Kơi rộng hơn 50ha. Trước đó bộ đội Sư đoàn 10 đã giúp dân khai hoang hoàn chỉnh, chỉ việc cắm cây lúa xuống là có ăn… Thế nhưng, tại cuộc họp của các làng, bà con đã phản đối khi A Gin bày tỏ ý định.  “Làm lúa nước à? Cứ tưởng ma quỷ hiện hình nói chớ đâu phải miệng A Gin. Con ma lúa rẫy đã quen cái nồi, ở yên cái bụng. Nay bắt làm lúa nước, ma cũ, ma mới đánh nhau, con người không chết hay sao?”.

Cực chẳng đã, A Gin phải giải tán cuộc họp, rồi cùng những người từng thoát ly theo cách mạng bàn cách trồng lúa nước, thế nhưng, ban đầu chỉ có A Bó, A Nhỏ cùng làm.

Ngày qua ngày, sớm nào cũng vậy, mới tinh mơ, bà con đã thấy A Gin ở ngoài đồng. Cuối mùa năm đó, cái tin A Gin thu được 5 tấn lúa trên “đất con ma” làm “đứng gió” cả 5 làng.

Không riêng A Gin, kho lúa nhà A Bó và A Nhỏ cũng không còn chỗ chứa. A Gin bảo vợ xay hết lúa rồi thông báo ai cần thì đến lấy về ăn. Đang mùa đói lúa, nhưng chẳng ai dám đến; bởi vì còn “mắc cỡ” với những lời chỉ trích A Gin trước đây. A Gin biết, nhưng cười chia sẻ. Và, rồi, nhà nào đói nhất A Gin mang gạo đến trước: “Cứ nấu mà ăn thử coi. Con ma gạo mới không làm chết A Gin thì mọi người cũng không sao đâu”.

Ông A Gin bên vườn bời lời của gia đình. Ảnh: D.Đ.N

 

Khi đã được hưởng thành quả lao động từ chính bàn tay A Gin; người người trong 5 làng đều cùng nhau làm lúa nước. Cái đói không còn hiện hữu như ngày xưa nữa, cái bụng đã no, bà con đã tin A Gin lắm rồi.

Vài năm sau nữa (1985), A Gin lại vận động bà con tách hộ lập vườn. Các làng của người Hà Lăng lại bắt đầu xôn xao như chuyện dời làng thuở trước.

Sáng hôm ấy khi chiếc máy ủi đang mở đường thì bất chợt một đám đông xông đến chửi bới, rồi một người ôm chiếu lao ra nằm lăn trước đầu máy. Hoảng quá người lái máy vội bổ đi tìm A Gin.

Khi A Gin chạy vội đến, người cản máy ủi là già A Nít nói: Giỏi thì cứ cho máy chà lên người lão già này đi. Mày làm đường cho con ma tìm đến thì tao cũng chết. Thôi thà để cho máy chà lên, chết còn đỡ khổ hơn con ma nó làm đau(!)

A Gin bình tĩnh giải thích: Già Nít à, con đường này qua nhà A Gin trước. Nếu con ma đến thì nó vào nhà A Gin đầu tiên… Bây giờ thế này, A Gin làm giấy cam đoan. Nếu con ma đến bắt người ở gần đường thì A Gin đền mạng. Còn nếu nó không đến thì già Nít và mọi người ở đây phải chịu phạt, được không?

Mọi người lặng thinh, nghĩ lại những việc A Gin làm cho dân làng, không ai dám cược. Già A Nít cũng lặng lẽ đi về.

Một, rồi hai mùa rẫy đi qua mà chẳng thấy “con ma” nào đến bắt A Gin. Lại thấy A Gin chở lúa, chở mì về nhà thật sướng, chẳng phải đẩy xe hì hục trong bùn. Một nhà, rồi hai nhà... lẳng lặng dời nhà ra bên đường. Không những thế, họ lại còn học theo A Gin trồng cây ăn trái trong vườn… Bây giờ, trong vườn của người Hà Lăng đâu đâu cũng có cây trái, hoa tươi quả ngọt. “Đấy là công sức của A Gin đấy” – Người Hà Lăng tự hào nói vậy.

Cho dù bây giờ ông A Gin đã 76 tuổi, nhưng những việc như đào ao nuôi cá, trồng cao su, giúp cán bộ xã vận động bà con… ông đều “xắn tay”. Chỉ tay vào tấm Huân chương Lao động hạng Ba treo trang trọng trên vách, ông A Gin tự hào: Nhà nước thưởng cho mình vào năm 2001 đấy. Phần thưởng ấy nhắc mình phải tiếp tục công việc, khi nào về với ông bà mới thôi…

Già A Gin cười sảng khoái. Tôi nghe trong tiếng cười như có lửa - ngọn lửa bất chấp thời gian của trái tim nhiệt huyết.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác