A Điện- Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên

23/02/2022 13:03

Nỗ lực phấn đấu để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đó là những điều mà anh A Điện luôn tâm niệm. Từ một hộ nghèo, A Điện đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm lạc hậu, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng no, đủ.

Chúng tôi cùng ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) đến thôn Krông Đuân thăm gia đình anh A Điện. Để chúng tôi hiểu rõ hơn về A Điện, trên đường đi, ông Đoan thông tin: Gia đình anh A Điện từng là một trong những hộ nghèo trên địa bàn xã. Dù có gần 1ha đất cha mẹ cho, nhưng do chỉ trồng lúa, mì và một vài loại cây lương thực ngắn ngày theo lối canh tác cũ, năng suất thấp, nên gia đình A Điện vẫn chật vật chuyện cơm áo. Nhưng hiện tại, gia đình A Điện đã khá rồi. Tất cả là nhờ A Điện đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư vào sản xuất để thay đổi cuộc sống.

Sau chừng 15 phút đi xe máy từ trung tâm xã, chúng tôi đã có mặt tại nhà anh A Điện. Ngôi nhà khang trang, khoảnh sân rộng phía 2 bên nhà được rào lại bằng lưới B40 để chăn nuôi bò, dê, heo sọc dưa. Đằng trước nhà, A Điện trồng rau vừa để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, vừa để bán. Đúng là khó có thể ngờ, đây là cơ ngơi của một gia đình mấy năm trước còn thuộc diện nghèo.

A Điện chăn nuôi đàn dê của gia đình. Ảnh: TT

 

Trong khu vườn, A Điện đang miệt mài cắt cỏ cho đàn vật nuôi ăn. Thấy khách đến thăm, A Điện cười tươi rói thay cho lời chào. Dùng tay áo lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt, anh cất lời: Mọi người đợi chút nhé, làm thế này tuy tốn công, nhưng bù lại, đỡ tốn kém hơn so với thức ăn công nghiệp, bên cạnh đó chất lượng đàn vật nuôi cũng đảm bảo hơn.

Rót ly nước cho khách, A Điện kể lại: Ngày trước, làm lụng vất vả mà số tiền dành dụm vẫn không đáng là bao. Không để cái đói, cái nghèo bủa vây, tôi tìm đến các mô hình phát triển kinh tế khác tìm hiểu và đã quyết định thay đổi hướng đi. Năm 2015, tôi đăng ký theo học lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, sau đó vừa học vừa làm, áp dụng vào thực tiễn. Sau khoảng thời gian thử sức, năm 2017, cà phê bắt đầu cho thu bói. Đến năm 2019, vườn cà phê đã phát triển ổn định, với năng suất bình quân ước tính đạt trên 20kg quả tươi/cây.

Có nguồn thu nhập từ cà phê, A Điện đã tự nguyện xin thoát khỏi diện hộ nghèo. Trong năm 2019, xã đã tạo điều kiện cho gia đình anh vay 15 triệu đồng không lãi suất từ quỹ sinh kế dịch vụ môi trường rừng (do tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng của thôn quản lý) và 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng quy mô sản xuất. Có vốn, A Điện đầu tư cải tạo vườn tạp, đất rẫy bạc màu, đồng thời trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê và làm chuồng trại, mua con giống về chăn nuôi.

Đến nay, ngoài diện tích cà phê, cao su, lúa nước, gia đình A Điện còn chăn nuôi bò sinh sản, heo sọc dưa và dê. Từ việc phát triển kinh tế ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá, cách làm kinh tế của anh được nhiều bà con đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về làm vườn và chăn nuôi. Anh Điện cũng dành nhiều thời gian để hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của mình để mọi người học tập làm theo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Phúc Đoan cho biết: Qua quá trình gắn bó, sâu sát với bà con, chúng tôi nhận thấy A Điện là một trong những tấm gương sáng ở cơ sở. Những suy nghĩ, cách làm của A Điện rất thực tế và phù hợp với địa phương. Từ một hộ nghèo trong thôn, A Điện đã vượt qua những khó khăn, tiếp cận với những kiến thức khoa học, áp dụng vào thực tiễn sản xuất để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tất Thành

Chuyên mục khác