A Châm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

08/04/2022 13:26

A Châm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kon Skôi, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây bời lời sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi heo địa phương, nuôi cá, gà thả đồi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mô hình của A Châm được các hội viên nông dân khác trong chi hội học tập và làm theo, nhờ đó đến nay đã có nhiều gia đình hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thôn Kon Skôi có trên 95% dân số là đồng bào DTTS, trình độ canh tác, tính toán làm ăn vẫn còn hạn chế, vì thế đời sống của người dân nơi đây còn gặp không ít khó khăn. Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kon Skôi, anh A Châm luôn suy nghĩ tìm cách giúp hội viên thoát cảnh đói nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Để làm được điều này, A Châm nghĩ mình phải là người tiên phong và gương mẫu trong phong trào phát triển kinh tế và các phong trào của thôn, làng.

Nghĩ là làm, A Châm đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo. Cùng với kiến thức tích luỹ được sau nhiều năm của mình, những diện tích bạc màu và cây trồng hiệu quả không cao A Châm đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mắc ca, mít, bơ và cà phê. Những nơi đất thấp, gần suối A Châm đào thêm ao thả cá, trồng lúa nước, phía cao hơn anh xây chuồng nuôi heo địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, 2 ha bời lời kém hiệu quả, A Châm cũng mạnh dạn chặt bỏ để trồng cà phê xen canh mắc ca.

Anh A Châm chăm sóc cây cà phê trồng xen cây mắc ca trong vườn nhà. Ảnh: BC

 

Anh A Châm cho biết: Là chi hội trưởng, có cơ hội tập huấn, học hỏi, tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế nhiều hơn so với bà con trong thôn, tôi thấy nông dân ở một số nơi khác họ chuyển đổi diện tích đất khô hạn sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi cũng bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ đó, tôi dành thời gian đi tìm hiểu, học hỏi quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại cây ăn quả kết hợp với nuôi giống heo địa phương, sau đó bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư xây dựng mô hình V.A.C.R.

Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi nên các loại cây trồng, vật nuôi của anh A Châm đã phát triển tốt và mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá ổn định. Hiện tại, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh từ mô hình V.A.C.R trên 200 triệu đồng. Dự kiến, những năm tiếp theo, khi cây mắc ca và cây cà phê đến chu kỳ kinh doanh thì thu nhập của gia đình anh A Châm sẽ tăng lên đáng kể. Hiện mô hình kinh tế của gia đình anh đã có 4 gian chuồng để nuôi đàn heo làng trên 30 con cung cấp cho thị trường; 200m2 ao nuôi cá các loại; trồng 2 ha mì và gần 2 ha trồng các loại cây cà phê, mắc ca, sầu riêng, mít Thái, bơ, lúa nước và nuôi rất nhiều gà thả đồi.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, A Châm cũng rất nhiệt tình trong công tác hội, anh thường xuyên duy trì việc thăm hỏi, động viên giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, tích cực vận động hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế. Những cố gắng của A Châm đã tạo niềm tin cho hội viên trong chi hội, từ đó hội viên tích cực lao động sản xuất, thay đổi nếp nghĩ cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả, đời sống của hội viên trong thôn Kon Skôi được nâng cao.

Ông Trần Văn Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ruồng cho biết: A Châm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn ở thôn Kon Skôi đã lâu, anh là người rất năng nổ tham gia các phong trào của hội, cũng là một trong những người đầu tiên phong ở địa phương mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để bà con đồng bào DTTS trong thôn noi theo. Không trông chờ vào nước trời, A Châm là người đầu tiên trong thôn đào giếng để lấy nước chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi. Từ thành công của mô hình V.A.C.R của A Châm, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên ở các chi hội khác trong xã học tập, làm theo, mạnh dạn chuyển đổi các loại cây không hiệu quả chuyển sang trồng cây dài ngày cho năng suất, giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho các hộ dân trong xã, thôn.

Bảo Châu

Chuyên mục khác