14/08/2022 06:03
|
Cầm chiếc dao cạo mủ, chị Y Ly Đanh (ở thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) thoắt ẩn thoắt hiện giữa những hàng cao su, từng dòng mủ cao su trắng xóa cứ thế tứa ra dưới đôi bàn tay lành nghề của chị. Ở mỗi cây vừa cạo, chị không quên đậy mái che lên phần chén đựng mủ để phòng tránh cơn mưa sắp đến.
Nhìn chị Y Ly Đanh say sưa với công việc, người bạn đồng nghiệp của tôi không khỏi trầm trồ: Nãy giờ tôi tính sương sương cứ tầm 1 phút, chị Y Ly Đanh cạo được 6 cây. Cứ thế này thì chẳng mấy chốc mà cả vườn được “xử lý” xong xuôi.
Chị Y Ly Đanh cởi mở trò chuyện: Năm lên 3 tuổi, mình bị sốt rét nặng. Ngày đó không được như bây giờ, cơ sở vật chất y tế thiếu thốn, nên việc chạy chữa gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả là dù khỏi bệnh, nhưng chân mình bị ảnh hưởng di chứng cho đến tận bây giờ, dẫn đến việc đi lại khó khăn.
Xuất thân từ gia đình làm nông, nên chị Y Ly Đanh đã quen với việc lao động từ bé. Dù đôi chân không lành lặn như bao người khác, nhưng bù lại chị luôn nỗ lực trong mọi công việc, không hề ngại khó khăn, vất vả.
Chị Y Ly Đanh tâm sự: Qua làm việc mình học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, tay nghề làm nông được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mỗi khi có điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do chính quyền địa phương tổ chức, mình đều đăng ký. Bởi mình tin rằng, kiến thức chính là “chìa khóa” để giúp mình cải thiện thu nhập, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Ngược lại ngày đầu khởi nghiệp, bằng số vốn dành dụm tích góp qua nhiều năm, chị Y Ly Đanh quyết định phát triển kinh tế từ mô hình trồng cao su. Đồng thời, thông qua Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền của địa phương, chị Y Ly Đanh có điều kiện mua cây giống với kinh phí thấp. Nhờ đó chị đã xây dựng vườn cao su của riêng mình.
Được chuyển giao khoa học kỹ thuật, cộng thêm kiến thức từ thực tiễn, chị Y Ly Đanh sớm trở thành người có kinh nghiệm, có tay nghề cao trong việc chăm sóc cây cao su. Vườn cao su của chị phát triển tốt, mùa thu mủ hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho chị.
Tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục đè nặng lên đôi vai gầy của chị. Ấy là vào những năm 2014 – 2015, giá cao su đột ngột lao dốc, có lúc tiền bán mủ cũng không đủ để trả tiền công, nhiều hộ trồng cao su trong thôn chặt cao su để trồng cây khác. Cuộc sống của gia đình chị Y Ly Đanh rơi vào cảnh lao đao.
“Nhớ lại thời điểm đó, khổ khôn cùng! Động lực duy nhất của mình là đứa con gái nhỏ. Bởi là mẹ đơn thân nên mình càng phải cố gắng gấp nhiều lần, dành dụm từng đồng để trang trải sinh hoạt phí trong gia đình. Thu nhập từ khai thác mủ cao su mình dành hết để đầu tư lại chính vườn cây. Vậy nên, mình phải đi làm công, làm thuê cho các hộ khác. Cầm cự từng ngày để qua cái khó, mình luôn duy trì niềm tin rằng, qua thời điểm này giá cao su sẽ ổn định lại”- chị Y Ly Đanh tâm sự.
Kiên trì bám trụ trong một khoảng thời gian dài, cuối cùng thời điểm giá cao su tăng trở lại đã đến. Vườn cao su chị gắn bó đã mang về cho chị nguồn thu khá ổn định. Nhờ đó chị có điều kiện mở rộng diện tích để phát triển cây cà phê, đồng thời thử sức trong việc chăn nuôi bò.
Đến thời điểm hiện tại, chị Y Ly Đanh có 3ha đất sản xuất; trong đó, cao su 1,5ha (900 gốc) và cà phê 1,5ha (1.600 gốc). Với giá thị trường như hiện tại, nếu trừ chi phí, trung bình một năm chị Y Ly Đanh thu khoảng 180 triệu đồng từ cây cao su và khoảng 100 triệu đồng từ cà phê. Đồng thời đàn bò của gia đình cũng phát triển béo tốt, ổn định, thời điểm đàn nhiều nhất lên đến hơn 10 con, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Ông A Sao - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Teo Đăk Lấp đánh giá: Hộ gia đình Y Ly Đanh là một trong những hộ tiên tiến, điển hình của thôn trong việc nỗ lực làm ăn phát triển kinh tế. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí, quyết tâm vượt qua cái khó, cái nghèo, chị đã có cuộc sống ấm no, chăm lo con cái học hành đầy đủ.
Tất Thành