Ý đảng, lòng dân trong xây dựng nông thôn mới

29/12/2019 06:14

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nông thôn thực sự “thay da, đổi thịt”, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Khi ý Đảng hợp với lòng dân

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm làm thay đổi toàn diện về kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nông dân, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, góp sức của nhân dân.

Trong suốt quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể về những vấn đề làm được, chưa làm được nhằm đưa ra chỉ đạo kịp thời, đúng với thực tế để các địa phương bám sát thực hiện.

 Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Đức Thành

 

Người đứng đầu các cấp, các ngành và các địa phương luôn phát huy tốt vai trò trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương, nhất là các xã phát huy trí tuệ tập thể, chủ động xác định được lợi thế, tiềm năng của địa phương để tập trung khai thác và lựa chọn phương pháp, cách thức triển khai xây dựng nông thôn mới một cách phù hợp và hiệu quả...

Xác định người dân là chủ thể trong triển khai thực hiện và thụ hưởng thành quả trong xây dựng nông thôn mới; các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã tập trung huy động sức dân tự nguyện tham gia, phát động phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”. Sau 10 năm thực hiện, phong trào này thực sự đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở các địa phương, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia.

Người dân thôn 13, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy đã đóng góp công sức và kinh phí cùng Nhà nước xây dựng 2 tuyến đường bê tông. Ảnh: Đức Thành

 

Trong 10 năm qua, khi triển khai các công trình, các nội dung về nông thôn mới, các địa phương luôn đưa ra bàn bạc công khai và tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi quyết định thực hiện. Do đó, các chủ trương do cấp ủy đảng các cấp đưa ra đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tự nguyện, tự giác thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 2.634.554 triệu đồng; trong đó, người dân đóng góp 246.174 triệu đồng cùng với  nhiều ngày công lao động, hiến đất mở đường giao thông...

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo huy động được sức mạnh cộng đồng, qua đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều. Tiêu biểu là mô hình thôn làng phụ nữ người đồng bào DTTS trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy), mô hình phân loại rác thải và mô hình phụ nữ với môi trường xanh - sạch - đẹp ở thành phố Kon Tum, mô hình tổ tự quản an ninh trật tự thôn làng nơi biên giới, mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum…

Diện mạo mới trên các vùng quê

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, khi bắt đầu thực hiện Chương trình (năm 2010), tỉnh Kon Tum có 81/81 xã triển khai xây dựng nông thôn mới với ngổn ngang thách thức. Bình quân các xã trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 2,7 tiêu chí /xã, nguồn lực xây dựng nông thôn mới vô cùng thiếu, hệ thống hạ tầng cơ sở của các vùng nông thôn hầu hết vừa thiếu, vừa không đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn…

Thế nhưng, sau 10 năm nỗ lực thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được kết quả hết sức khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có 19/86 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 18 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã tăng cao, hiện tại đạt 12,23 tiêu chí/xã; đặc biệt là nhóm tiêu chí về hạ tầng từ chỗ khó khăn nhất đến nay đã trở thành nhóm tiêu chí đạt cao nhất.

Diện mạo nông thôn ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) nay đã khởi sắc. Ảnh: Đức Thành 

 

Người dân từng bước thay đổi hình thức sản xuất, từ chỗ sản xuất manh mún, phương thức lạc hậu, đến nay cơ bản đã biết chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và bước đầu triển khai, xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất. Diện mạo nông thôn  thay đổi căn bản; chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao; văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy...

Dấu ấn rõ nét nhất về sự đổi thay ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh sau 10 năm xây dựng nông thôn mới là về hạ tầng nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 1.900km đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, điện lưới quốc gia đến nay đã phủ kín 100% các xã, vừa cải thiện điều kiện sống người dân, vừa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập người dân. Hệ thống trường, lớp học được chú trọng đầu tư với 190 trường học được xây mới và nâng cấp, các điểm trường lẻ đã được ưu tiên đầu tư, góp phần bảo đảm tốt điều kiện học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh.

Mùa thu hoạch trên cánh đồng xã Đoàn Kết. Ảnh: Thế Binh

 

Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 27 nhà văn hóa xã, 340 nhà văn hóa thôn và 298 khu thể thao thôn được xây dựng, sửa chữa, thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể thao, thu hút nhiều người dân tham gia; hệ thống trạm y tế xã được ưu tiên đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân...

Một trong những thành tựu nổi bật sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn của tỉnh ta không thể không kể tới là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Việc phát triển sản xuất và đổi mới hình thức sản xuất được thực hiện gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm. Trong đó, các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ một số loại cây có giá trị thấp như mì, bắp, lúa... sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây công nghiệp; từng bước xây dựng và hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng cà phê xứ lạnh Đông trường Sơn, vùng sản xuất rau hoa, củ xứ lạnh tại huyện Kon Plông, vùng sản xuất rau an toàn tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, vùng trồng cây dược liệu tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei…Các địa phương và người dân ngày càng chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu kinh tế cao, đây được coi là khâu đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp và nông thôn phát triển...

Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Ảnh: Thùy Hương

 

Trong 10 năm qua, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở vùng nông thôn ngày càng được nâng cao; công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy các thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch được các địa phương chú trọng thực hiện.

Sau 10 năm thực hiện, có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự tạo bước đột phá làm thay đổi toàn diện các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây chính là kết quả tất yếu của ý đảng, lòng dân để xây nên những miền quê đáng sống.

Tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại mỗi năm bình quân đạt được ít nhất từ 1- 2 tiêu chí; số tiêu chí bình quân trên xã là 14 tiêu chí/xã.

Thiên Hương

Chuyên mục khác