Xung lực mới từ giao đất, giao rừng

09/01/2022 06:15

Triển khai có hiệu quả chủ trương giao đất, giao rừng gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế rừng không chỉ làm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ thực sự, mà còn tạo xung lực mới trong nâng cao đời sống người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Khi rừng có chủ

Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn quản lý sử dụng.

Số liệu thống kê của UBND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2006-2016 đã giao 3.745,2 ha rừng và đất rừng cho 23 cộng đồng thôn, làng quản lý, bảo vệ, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Giai đoạn 2016 -2020 tiếp tục giao đất, giao rừng, với tổng diện tích 6.391,15ha.

Như vậy, tổng diện tích rừng và đất rừng đã giao cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến nay 10.676,35ha. Toàn bộ diện tích đất rừng giao cho cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, đây là bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực lâm nghiệp, làm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thực sự, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư thôn. Từ đó, rừng được bảo vệ hiệu quả hơn; hạn chế và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân.

Khi được giao cho cộng đồng, hộ gia đình, rừng được bảo vệ tốt hơn, đồng thời giảm áp lực lên các lực lượng chức năng. Ảnh: H.L

 

Việc thu hút người dân mà cụ thể là các cộng đồng DTTS vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết để góp phần bảo vệ rừng cũng như gắn với chương trình nông thôn mới hiện nay- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đánh giá.

Theo UBND tỉnh, dù việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sau khi giao còn có những hạn chế nhất định, như một số diện tích sử dụng sai mục đích, thu nhập từ rừng chưa tương xứng, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra…, nhưng những tác động của chính sách giao đất, giao rừng là rất lớn. Điều đó thể hiện rất rõ qua sự thay đổi về ý thức bảo vệ tài nguyên rừng của người dân cũng như  thống kê cụ thể về thu nhập của chủ rừng.

Theo đó, người dân đã quan tâm nhiều hơn về quản lý, bảo vệ rừng; quan niệm bảo vệ rừng, phát triển rừng là việc của  “Nhà nước” dần được xóa bỏ. Cộng đồng, hộ được giao đất, giao rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra trên diện tích rừng và đất rừng được giao, từ đó phát hiện, ngăn chặn và phản ánh kịp thời các hành vi tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, nhất là phá rừng trái phép; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Về kinh tế, giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân khi hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong giai đoạn 2011-2020, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã được nhận hơn 176,79 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, bình quân 5,6 triệu đồng/hộ/năm; 68 triệu đồng/cộng đồng/năm.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động hỗ trợ sau giao đất giao rừng, công tác xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh; nguồn lao động ở địa phương được huy động để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới.

Xung lực mới

Điểm nhấn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong những năm gần đây là việc triển khai Phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng giai đoạn 2018-2020.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện phương án, 3 cộng đồng (ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi và xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) có thu nhập khoảng 2,1 tỷ đồng, bình quân mỗi cộng đồng thu nhập hơn 703 triệu đồng.

Đối với hộ gia đình, theo tính toán, hỗ trợ trồng rừng sản xuất 221ha keo lai, với năng suất bình quân khoảng 140 m3/ha, giá thu mua hiện nay khoảng 600.000 đồng/m3 thì giá trị thu được ước 18,5 tỷ đồng, bình quân trồng 1 ha thu nhập 84 triệu đồng.

Từ hiệu quả có được, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là mô hình cần được nhân rộng và triển khai thực hiện trong thời gian tới, khi toàn tỉnh vẫn còn 199.177ha rừng và đất rừng chưa có chủ quản lý thật sự, và nguy cơ mất rừng còn rất cao.

Diện tích rừng giao cho cộng đồng làng Vi Pờ Ê 2 (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: HL

 

Mới đây, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giao đất, giao rừng cho cộng đồng gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án khoảng 72,78 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ sinh kế cho người dân chiếm phần lớn (hơn 56,2 tỷ đồng). Đối tượng hưởng lợi của Đề án là cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đề án hướng tới mục tiêu phát huy nội lực của cộng đồng/hộ gia đình, thông qua hỗ trợ thúc đẩy của Nhà nước nhằm cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đến thu nhập khá và ổn định từ kinh tế rừng; giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy.

Theo đó, sử dụng có hiệu quả 15.616,06 ha rừng và đất lâm nghiệp; bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng một cách bền vững; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hoá nghề rừng trên nguyên tắc rừng và đất rừng phải có chủ thật sự; huy động nguồn lực của các hộ gia đình, cộng đồng tham gia công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Tin tưởng rằng, khi Đề án được triển khai, không chỉ làm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ thực sự, mà còn tạo xung lực mới trong nâng cao đời sống người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.          

Hồng Lam

Chuyên mục khác