27/01/2022 06:37
Nghị quyết đã vào cuộc sống
Mặt trời đã nhô cao nhưng vẫn lạnh se sắt. Bên bếp lửa nồng đượm, anh Vi Văn Tiêm – Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi ăn vội bữa sáng rồi lên đường. Đi về phía nhà rông – nơi bà con đã đứng đợi sẵn, anh dõng dạc nói: Đi thôi mọi người ơi, ráng phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa xong, về nhà chuẩn bị đón Tết là vừa. Mùa khô hơi vất vả, nhưng cây phải xanh thì Tết mới vui được. Bà con mình cố gắng nhé.
Trước lời động viên đầy nhiệt huyết, 19 thành viên như được tiếp thêm động lực. Cuốc, rựa sẵn sàng, tiếng cười nói rộn ràng, bà con đi về phía núi, nơi có những mầm xanh đang vươn sức phủ xanh đồi trọc.
|
|
Từ trước đến nay, người dân Đăk Vang, ngoài việc trồng mì, cà phê, cao su, ít ai có ý nghĩ sẽ trồng rừng. Chủ tịch UBND xã Sa Loong – Nguyễn Hữu Bảng nói rằng, việc trồng rừng là một chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân Đăk Vang.
Như chị Y Tối – cũng có một thời, vì áp lực kinh tế gia đình, chị đã liều phát rừng để làm rẫy. Nhưng, bây giờ, chị lại là một trong những thành viên tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Uống ngụm nước, chị chậm rãi kể: Khi tham gia, mình mới hiểu được giá trị của việc trồng rừng. Giờ thì mình với bà con dân làng, cố gắng chăm sóc rừng của cộng đồng thật tốt.
Dưới tiết trời hanh khô và nắng rát bỏng, những cây keo, bạch đàn cự vỹ mọc thành hàng, khỏe mạnh, lá xanh tươi vươn mình về phía nắng. Có những chỗ, cây tốt quá đầu, người dân tỉa bớt cành để tiếp tục phát triển. Từ lúc nhận giống và vun trồng, bà con rất chú trọng chăm sóc. Nhờ vậy, tỉ lệ cây sống đạt đến 90%. Giờ, vào mùa khô, bà con cũng lên kế hoạch chống cháy, bảo vệ thành quả đã trồng.
Nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể hiểu được sự đồng thuận của người dân trong việc trồng rừng. Hàng trăm héc ta rừng xanh ngút ngàn phủ lên các mỏm đồi. Mỗi người một việc, ai nấy đều tích cực. Anh Tiêm bảo, mọi người mong rằng, những cây rừng sẽ lớn nhanh, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở hiệu quả mỗi khi mùa mưa đến ở vùng biên.
Không riêng cộng đồng thôn Đăk Vang, trong năm 2021, nhờ “ý Đảng hợp với lòng dân”, khoảng 40 hộ dân trên địa bàn xã biên giới Sa Loong đã trồng 105,83ha rừng, vượt hơn 200% so với kế hoạch đề ra (52ha). Nhờ đó, tỉ lệ phủ xanh đạt hơn 90%, góp sức để huyện Ngọc Hồi đạt kết quả trồng hơn 490ha rừng, vượt kế hoạch 272,26ha (223,75% ).
Tại thành phố Kon Tum, huy động sức mạnh tổng hợp, toàn thành phố đã trồng vượt hơn 400% kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Thanh Mân- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: “Đoàn kết, nỗ lực, kiên quyết, bằng nhiều hình thức như bom hạt giống, hỗ trợ người dân theo quy định, chúng tôi đã trồng được 962,32 ha, đạt 94,79% so với chỉ tiêu Thành ủy giao và đạt 458,2% chỉ tiêu tỉnh giao. Đến nay, chúng tôi đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để người dân tích cực chống cháy, chăm sóc để bảo vệ màu xanh núi đồi”.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cộng thêm sự nỗ lực, thay đổi nhận thức của người dân, năm đầu tiên thực hiện chỉ tiêu trồng rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh đã thực hiện đạt 133,8% kế hoạch đề ra. Những đồi trọc đã được phủ màu xanh cây rừng là minh chứng rõ nét nhất khi ý Đảng hợp lòng dân.
Niềm tin xuân mới
Mới trồng năm đầu tiên nhưng hợp đất, hợp khí hậu cộng thêm việc được chăm sóc kỹ lưỡng, những cánh rừng bạch đàn cự vỹ ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô đã cao quá đầu người. Cùng với những cành lá vươn theo ánh nắng, ánh mắt của người dân cũng tràn đầy hi vọng về một tương lai no ấm.
Thay mặt người dân trong thôn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tê Pên – A Kên nói rằng, trước mắt, bà con mong những cây rừng sẽ làm giảm áp lực của thiên tai, mưa bão, chống sạt lở, xói mòn đất. Về dài lâu, mỗi người dân đều tin, cây rừng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống thêm ổn định.
Lần đầu tiên 124 hộ dân trong thôn tham gia trồng 169,62ha rừng. Ban đầu, người dân cũng khá lo ngại. Bởi lẽ, trồng cây mì, cây mía, một năm, hai năm đã có thể thu hoạch, còn trồng rừng, phải mất ít nhất 4 năm mới có thể thu hoạch. Nhưng được động viên, người dân nỗ lực thực hiện.
|
Dẫn chúng tôi về cánh rừng xanh mơn mởn trên sườn đồi cheo leo, anh A Mập – thôn Tê Pên, xã Văn Lem nói rằng: “Mình trồng 7 sào bạch đàn cự vỹ và nắm các chính sách về chăm sóc, khai thác. Mình cũng mong chờ hiệu quả để có đà tiếp tục phát triển diện tích”.
Xuân này, nhìn vườn cây xanh mát, phát triển, người dân hân hoan với những kết quả bước đầu sau một năm trồng, chăm sóc vất vả. Và, cùng với niềm hân hoan ấy là hi vọng và mong chờ.
Tọa đàm “Sản xuất nông nghiệp sinh thái Rừng – Rẫy – Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng” được tổ chức đã đề ra các giải pháp, bàn đến việc giải quyết đồng bộ bài toán về sinh kế ổn định cho đồng bào DTTS. Theo đó, các giải pháp cần được triển khai thực hiện sớm, đồng bộ và hiệu quả hơn. Cụ thể, cần xây dựng các mô hình canh tác nông lâm kết hợp, vườn rừng vườn nhà, phát triển dược liệu tán rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái để giúp người dân “lấy ngắn nuôi dài”, từ đó yên tâm phát triển tài nguyên rừng một cách bền vững.
Người dân sẽ thêm yên tâm nếu trên địa bàn tỉnh có các chuỗi chế biến khép kín tiêu thụ cây rừng tại chỗ cho cư dân trồng rừng, tiến đến xuất khẩu lâm sản. Vẫn biết, nói thì dễ còn làm sẽ có nhiều gian nan, nhưng năm mới, mỗi người có quyền tin và ước vọng để hướng tới thực hiện.
Đi giữa tiết trời se lạnh, nhìn những vạt rừng nối tiếp nhau trải dài tít tắp mà lòng người như rộn ràng. Cũng như nhiều người dân, tôi tin rằng, như mùa Xuân tiếp thêm mạch sống, những cánh rừng xanh sẽ mang ấm no đến cho mỗi gia đình.
Hoài Tiến