30/07/2019 13:00
Vật liệu xây dựng “nuốt” vỉa hè
Trên đường Đoàn Thị Điểm (thành phố Kon Tum), một tổ công nhân của Công ty cổ phần Môi trường đô thị hối hả làm việc dưới nắng nóng gay gắt. Họ đang nỗ lực nạo vét bùn đất dưới rãnh thoát nước của tuyến đường.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, một nữ công nhân tranh thủ cho biết: Mấy ngày nay mưa nắng thất thường, tuyến đường này lại có nhiều hộ gia đình tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè, khi mưa xuống, cát, đá bị cuốn xuống rãnh thoát nước, gây úng ngập cục bộ, nên phải thực hiện việc nạo vét đột xuất.
Mọi người đang quyết tâm “giải phóng” hệ thống mương thoát nước của tuyến đường này trong ngày hôm nay để chuyển sang tuyến đường khác cũng bị tắc rãnh thoát nước - chị công nhân cho biết.
Chỉ vào đống rác, đất cát được nạo vét lên, chị công nhân phàn nàn: Đấy anh xem, đất, cát, đá dăm dồn xuống như thế này thì thoát nước sao nổi. Giá như các hộ gia đình tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố che chắn kỹ càng thì đỡ biết mấy.
|
Cho đến nay, thành phố Kon Tum vẫn đang đau đầu giải quyết vấn đề đường ngập khi có mưa lớn, và một trong những lý do chính là vì đường cống thoát nước bị tắc khiến nước không kịp thoát.
Người ta thường đổ lỗi cho hệ thống thoát nước kém, thiếu đồng bộ; đổ lỗi cho chính quyền địa phương thiếu quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị; đổ lỗi cho công nhân môi trường đô thị không nạo vét kịp thời. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, một trong những nguyên nhân chính đến từ những đống cát, đá đang “nuốt” vỉa hè kia.
Dạo quanh một số tuyến phố lớn như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Đào Duy Từ..., chúng ta dễ bắt gặp những công trình công cộng và dân sinh đang thi công. Đa số các công trình đều sử dụng một phần vỉa hè để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, nên nhiều diện tích hè phố bị lấn chiếm, gây mất mĩ quan đô thị. Đáng ngại hơn, khi trời mưa, những vật liệu như cát, sỏi trôi xuống các cống thoát nước, gây ách tắc, ngập úng cục bộ.
Mấy ngày nay, anh Nguyễn Thanh P (đường Trần Phú, thành phố Kon Tum) khá bức xúc vì trên đoạn đường anh ở có mấy gia đình làm nhà, tập kết vật liệu trên vỉa hè.
"Từ khi gia đình bên cạnh thi công công trình, đổ gạch, cát, sắt thép trên vỉa hè, việc đi lại khá nguy hiểm, không cẩn thận là ngã như chơi. Nhưng điều làm chúng tôi bức xúc nhất là họ không che chắn gì cả, khi mưa xuống, cát, sỏi, đá dăm bị cuốn trôi, gây tắc đường cống thoát nước, nên nước mưa tràn cả vào nhà"- anh P kể.
|
Cần có sự vào cuộc quyết liệt
Theo ước tính của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum, trung bình hàng năm, đơn vị thực hiện nạo vét hơn 20km mương, rãnh thoát nước; nạo vét và vận chuyển hàng nghìn mét khối rác, bùn... Để hoàn thành khối lượng công việc này, đội ngũ công nhân của Công ty phải chủ động lên kế hoạch nạo vét, dồn lực lượng triển khai từ tháng 3 hàng năm.
"Nhiệm vụ được ưu tiên trước mùa mưa bão hàng năm là duy tu, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương, cống thoát nước, hố ga, nhất là các điểm thường xảy ra ngập úng nhằm không để xảy ra ngập úng trên diện rộng; kiềm chế, thu hẹp dần ngập úng cục bộ; tăng cường kiểm tra thay thế tấm đan các hố ga để bảo đảm an toàn" - ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cho biết.
Điều khiến những người làm công tác bảo vệ môi trường như ông Phạm Văn Hải lo lắng là tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè, lòng đường đang khá phổ biến. Hậu quả là khi có mưa, nước mưa cuốn trôi cát sỏi lấp kín các điểm thu nước hoặc lưới chắn rác, gây bồi lấp lòng cống, nước không thoát được, gây ngập úng.
Theo ý kiến của những công nhân trực tiếp thực hiện việc nạo vét hệ thống rãnh thoát nước trên địa bàn thành phố, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, thứ nhất, ý thức của một số người dân còn hạn chế, tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, không đúng nơi quy định, hoặc không che chắn theo đúng yêu cầu; thứ hai, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa thực sự quan tâm ngăn chặn tình trạng này.
“Có hộ gia đình đổ vật liệu tràn cả ra đường, đè lên nắp cống, chúng tôi nhắc nhở thì chửi bới, dọa nạt, nói đã xin phép chính quyền phường; thậm chí có người còn nói "muốn đổ ở đâu thì đổ, không phải là việc của các anh, các chị”. Khi báo chính quyền phường thì cũng chỉ nhắc nhở qua rồi thôi"- một anh công nhân bức xúc kể.
Về phần mình, một chủ tịch UBND phường cho rằng, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng ngổn ngang, sai quy định vẫn tồn tại và rất khó xử lý triệt để là do chế tài xử phạt còn thấp và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế là ở phố, khi có nhu cầu xây dựng, người dân không tập kết vật liệu trên vỉa hè thì biết tập kết ở đâu?
Vì vậy, ông Phạm Văn Hải kiến nghị, đã đến lúc cần quan tâm hơn đến việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ, sử dụng hệ thống thoát nước đô thị.
Thành phố Kon Tum đang dần được đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ hơn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ thì chỉ có sự nỗ lực của đơn vị chức năng là chưa đủ, mà cần có sự phối hợp tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tự ý tập kết vật liệu xây dựng - ông Phạm Văn Hải đề nghị.
Theo đó, chính quyền địa phương cần ký cam kết đối với tất cả hộ gia đình có mặt tiền tiếp giáp mặt phố, trong đó có quy định cụ thể việc tập kết nguyên vật liệu (nếu có hoạt động xây dựng); không được tập kết rác thải xây dựng sai nơi quy định; không được tập kết vật liệu trên vỉa hè, lòng đường quá 24 giờ (tập kết tạm phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về an toàn giao thông) và chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả khi công trình liền kề bị ảnh hưởng...
Hồng Lam