Xóa bỏ “tín dụng đen”

30/06/2024 06:36

Trong những năm qua, công tác đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao; được các cấp chính quyền, các ngành chức năng triển khai thường xuyên và quyết liệt.

Từng có một thời gian, chúng ta có thể nghe được những câu chuyện về sự hoành hành của “tín dụng đen” ở bất cứ đâu, từ chợ, bệnh viện, bến xe, quán cà phê đến công sở, và ở cả những bữa cơm gia đình.

Với sợi thòng lọng là lãi suất “cắt cổ” và những mánh lới đòi nợ đầy bất lương, tín dụng đen gieo rắc nỗi sợ hãi khôn cùng cho nạn nhân, gây bất ổn về an ninh trật tự.

Báo cáo số 160/BC-UBND ngày 27/5/2024 sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen” cũng nhìn nhận, trước khi có Chỉ thị 12, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, gây dư luận, bức xúc trong nhân dân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg thì cuộc chiến với tín dụng đen ở tỉnh ta đã được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ hơn.

Tình trạng dán quảng cáo cho ‘’tín dụng đen’’ trên đường phố xuất hiện trở lại. Ảnh: H.L

 

Để thống nhất nhận thức và hành động, Tỉnh ủy, UBND đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22/7/2019; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1950/KH-UBND ngày 31/7/2019 về triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30/12/2019 thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “Lấy phòng ngừa là chính”, cả hệ thống chính trị được huy động hiện thực hóa quyết tâm “chặt vòi” tín dụng đen. 

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp mở rộng, đa dạng hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp.

Trong 5 năm 2019-2024, cơ quan Công an đã gọi hỏi 150 lượt, với khoảng 60 đối tượng, là trưởng chi nhánh công ty tài chính, chủ cơ sở cầm đồ, các đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng, đối tượng phát, dán tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền nhằm răn đe, giáo dục và lên danh sách, đưa vào diện quản lý- Báo cáo 160 nêu.

Cũng theo Báo cáo 160, cơ quan công an các cấp đã triệt phá 14 điểm hoạt động “tín dụng đen”; khởi tố hình sự 10 vụ - 17 bị can (gồm 9 vụ - 16 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, 1 vụ - 1 bị can về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”); xử phạt hành chính 4 vụ - 7 đối tượng về hành vi dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dưới hình thức cầm cố giấy tờ xe mô tô; răn đe, giáo dục 20 đối tượng đi thu tiền góp hụi.

Từ đó “tín dụng đen” đã từng bước được khắc chế, kiểm soát, dần được đẩy lùi, không còn hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận trên địa bàn tỉnh.

Nổi lên thủ đoạn mời chào, dụ dỗ vay tiền qua mạng xã hội. Ảnh: HL

 

Tuy nhiên, sau một thời gian bị trấn áp, hoạt động “tín dụng đen” có những biểu hiện phức tạp trở lại. Nhất là từ năm 2021 trở lại đây, do những khó khăn trong đời sống và sản xuất bởi tác động của dịch Covid-19, không ít trường hợp đã tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng.

Trong khi đó, hoạt động “tín dụng đen” có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó với công tác điều tra, xử lý. Nổi lên tình hình đối tượng sử dụng không gian mạng, mời chào, dụ dỗ người vay trực tuyến, qua ứng dụng điện thoại, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân; giải ngân nhanh chóng và thu lãi qua tài khoản ngân hàng, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra xử lý.

Vì vậy, cuộc chiến xóa bỏ “tín dụng đen” vẫn đầy phức tạp, khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt phá các tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen” của các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành cần chú trọng triển khai tốt công tác phòng ngừa.

Bao gồm đổi mới phương thức tuyên truyền, về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen”, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, nhất là tận dụng tốt các mạng xã hội, để người dân biết và nâng cao cảnh giác.

Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng, đa dạng hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân.      

Hồng Lam

Chuyên mục khác