13/11/2021 06:55
Vùng đất đỏ bazan xã Hơ Moong dọc theo lòng hồ thủy điện Plei Krông là nơi phù hợp với cây ăn quả. Để khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả kinh tế, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, UBND xã, trong những năm gần đây, nhiều cán bộ, đảng viên ở huyện Sa Thầy đẩy mạnh trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít Thái, bơ, chanh… để có cơ sở thực tiễn, rút kinh nghiệm và vận động người dân làm theo.
Thực tế chứng minh, việc phát triển cây ăn quả ở xã Hơ Moong là đúng đắn, bởi nhiều mô hình vườn cây ăn quả ở đây đang phát huy hiệu quả kinh tế cao. Anh Phạm Hồng Việt – Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong chia sẻ: Trước khi thực thiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, cán bộ, đảng viên xã đi đầu phát triển mạnh cây ăn quả, từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả. Nhờ vậy, khi nhiều vườn cây ăn quả phát huy hiệu quả kinh tế cao, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trong việc phát triển cây ăn quả ở địa phương diễn ra thuận lợi.
Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Việt lấy vườn cây ăn quả của nhà mình ra để tôi được tường tận. Vườn cây ăn quả gia đình anh Việt rộng 4 ha với các loại cây ăn quả sầu riêng, mít Thái, mãng cầu quanh năm xanh tốt. Một nửa diện tích cây ăn quả trong vườn cho quả, trong đó, 50 cây sầu riêng năm nay cho anh thu 2 tấn quả. Với giá bán 65 nghìn đồng/kg, sầu riêng cho anh thu 130 triệu đồng. Ngoài sầu riêng, gia đình anh còn trồng 4 ha cao su. Tổng doanh thu kinh tế vườn gia đình anh 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí đầu tư, còn lãi ròng 400 triệu đồng. Trong những năm đến, khi vườn cây ăn quả đi vào kinh doanh ổn định, doanh thu và lợi nhuận hàng năm sẽ cao hơn nhiều lần.
|
Vườn cây ăn quả của Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Việt phát triển theo hướng hữu cơ. Phân bón anh Việt chăm sóc cho cây là phân chuồng ủ hoai mục, rỉ mật đường (phế phụ phẩm trong công nghệ sản xuất đường) mua từ Nhà máy đường Kon Tum và phân NPK. Phân chuồng hoai mục, rỉ mật đường có khả năng cải tạo đất, tăng độ xốp và các thành phần dinh dưỡng giúp cho cây xanh tốt và phát triển bền vững.
Vườn cây ăn quả của anh Mai Viết Chung, thôn Tân Sang cũng xanh tốt không kém. Ông Chung cho biết, trước đây, gia đình anh chỉ chuyên canh cây cao su công nghiệp (5 ha cà phê và 8 cao su). Sau khi thấy một số cán bộ, đảng viên ở xã trồng cây ăn quả hiệu quả, gia đình trồng xen canh hơn 200 cây sầu riêng, 150 cây bơ và hàng trăm cây chanh không hạt; đồng thời trồng thuần hàng trăm chói tiêu… trong vườn. Không tính cà phê, trong năm nay, gia đình anh thu trên 3 tấn quả các loại. Tổng doanh thu kinh tế vườn trên 1 tỷ đồng. Anh Chung khẳng định, việc phát triển cây ăn quả của gia đình mình cũng như nhiều người dân địa phương là phù hợp.
Khi thấy cán bộ, đảng viên và người Kinh trồng cây ăn quả hiệu quả, đồng thời khi Đảng ủy xã yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” một cách bài bản, cùng với sự hỗ trợ giống cây ăn quả của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn xã phát triển mạnh.
Theo đó, trong năm 2021, xã Hơ Moong trồng mới 110 ha cây ăn quả (sầu riêng, mít, bơ, na…), nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn lên 324 ha. Trong việc phát triển cây ăn quả năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ cho dân xã Hơ Moong trồng mới 40 ha cây ăn quả, trong đó, hỗ trợ đồng bào DTTS trồng 35ha cây ăn quả.
Qua quá trình phát triển cây ăn quả, người dân ở xã Hơ Moong đang dần dần từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả. “Từ hiệu quả của quá trình sản xuất và với quyết tâm cao nhất, xã Hơ Moong xác định cây ăn quả là một trong những hướng đi, cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao đời sống và làm giàu”- Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Việt cho biết.
Văn Nhiên