Xây dựng và phát huy hiệu quả “mã số vùng trồng”

07/09/2023 13:02

Xây dựng “mã số vùng trồng” là một trong những khâu then chốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hiệu quả cần nỗ lực của nhiều phía, đặc biệt là ý thức gìn giữ, đảm bảo uy tín các doanh nghiệp, HTX.

Cây ăn trái được xác định là một trong những loại cây trồng chính và sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 10.488ha cây ăn trái các loại. Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng của các loại trái cây thì việc mở rộng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, mã số vùng trồng được xác định là một trong những điều kiện bắt buộc để trái cây có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Toàn tỉnh hiện có 6 vùng trồng sầu riêng đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số. Ảnh: TH   

 

Trong thời gian, với sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp cùng với nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng trái cây ăn trái được đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 287,51ha. Trong đó, có 3 mã số vùng trồng mít Thái, 6 mã số vùng trồng chuối, 6 mã số vùng trồng sầu riêng, 1 mã số cơ sở đóng gói chuối phục vụ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Duy Tân tại xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai). Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã cấp 1 mã số vùng trồng mắc ca với diện tích 10ha tại huyện Kon Rẫy phục vụ tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, tổng hợp và đàm phán với nước nhập khẩu để phê duyệt cho 10 vùng trồng sầu riêng với diện tích 196ha, 2 vùng trồng chanh dây với diện tích 27ha, 1 mã số vùng trồng dứa diện tích 12ha, 1 cơ sở đóng gói chanh dây diện tích 1.200m2.

Ông Bùi Đức Trung- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Sau khi có mã số vùng trồng, sản phẩm trái cây của tỉnh được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá cao hơn mặt bằng; đầu ra ổn định, không phải lệ thuộc và bị thương lái ép giá thu mua như trước đây. Có thể nói, mã số vùng trồng được xem như “tài sản” của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, là “tấm vé thông hành” đưa trái cây của tỉnh vươn xa.

Diện tích sầu riêng Blackthon của Công ty TNHH Nông lâm sản Nghĩa Phát được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: TH 

 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Đức Trung, để được cấp mã số vùng trồng các tổ chức, cá nhân phải thỏa mãn rất nhiều yêu cầu, đó là tất cả các vùng trồng phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu, như canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn Viet GAP; theo dõi và ghi nhật ký canh tác, kiểm soát dịch hại sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng... Mỗi mã số vùng trồng đều gắn theo yêu cầu từng thị trường và việc được cấp mã số mới chỉ là bước đầu. Yêu cầu của nước nhập khẩu thường rất khắt khe, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác với cơ quan chức năng trong sử dụng, giám sát mã số vùng trồng, có như vậy mới phát huy được hiệu quả của mã số vùng trồng, tránh việc bị thu hồi.

Tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 35 vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số, 5-10 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng, ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý, giám sát nhằm giữ vững số lượng mã số vùng trồng đã được cấp.

Ông Bùi Đức Trung chia sẻ: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng trồng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. thực hiện giám sát định kỳ tối thiểu một lần/năm hoặc trước vụ thu hoạch đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và giữ vững mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng góp, góp phần đảm bảo cho sản xuất, xuất khẩu trái cây ổn định và bền vững.

Việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng các loại cây ăn trái với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật không chỉ giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn mà còn góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh minh bạch, trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.                                

Thùy Hương

Chuyên mục khác