Xây dựng thương hiệu nông sản vẫn còn hạn chế

08/10/2023 06:30

Xây dựng và phát triển thương hiệu được xem giải pháp quan trọng tạo dựng “chỗ đứng” cho sản phẩm hàng hoá nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh vẫn còn hạn chế.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng được thương hiệu. Ảnh: TH

 

Với sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo ngành chức năng tích cực triển khai, xúc tiến các hoạt động quan trọng trong việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), người dân xây dựng nhãn hiệu, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đăng ký bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý là Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, Chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà và 11 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm như cà phê xứ lạnh Kon Tum, Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đẳng sâm Kon Tum; Ngũ vị tử Kon Tum; hỗ trợ huyện Kon Plông đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho 22 sản phẩm/nhóm sản phẩm rau, hoa, củ, quả xứ lạnh và sản phẩm đặc thù của huyện. Đơn vị cũng đã triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Dệt thổ cẩm Kon Tum, Gạo thơm Đăk Hà và Yến sào Kon Tum; hướng dẫn một số HTX đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm cà phê.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở để các doanh nghiệp, HTX bảo vệ, nâng cao thương hiệu hàng hóa trên thị trường. Từ đó, tạo động lực để người dân mở rộng diện tích canh tác, phát triển vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Đặc biệt, trong những năm qua, chương trình OCOP được triển khai sâu rộng với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân đã giúp các chủ thể mở rộng sản xuất, từng bước chuẩn hóa sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản của các địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao còn thời hạn. Tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có sản phẩm OCOP. Hầu hết sản phẩm OCOP đều đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được uy tín, thương hiệu như sản phẩm Cà phê rang xay DAKMARK-OCOP 5 sao cấp quốc gia của Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng; các sản phẩm cà phê đặc biệt, cà phê sữa thượng hạng, cà phê sầu riêng của HTX Thương mại và Dịch vụ Sáu Nhung với tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước.

Dù đã những chuyển biến tích cực, thế nhưng, nhìn nhận khách quan thì việc tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp mang địa danh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Tỉnh ta là vùng nguyên liệu lớn của nhiều loại nông sản với tổng diện tích cây lâu năm hiện có khoảng 125.680 ha; trong đó, diện tích cây ăn quả là 11.027 ha, cây cà phê là 29.497,6 ha, cây cao su là 78.465,1 ha, cây mắc ca là 3.153,6 ha, sâm Ngọc Linh có 1.810,6 ha và 5.996,4 ha cây dược liệu khác; tổng diện tích cây hàng năm vào khoảng 66.166 ha. Có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng điều đáng nói là nông sản của tỉnh dường như vẫn chưa có vị thế vững chắc trên thị trường.

Phần lớn các mặt hàng nông sản của tỉnh vẫn chưa có được thương hiệu lớn; đa số nông dân, thương lái vẫn xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra thị trường dưới dạng nguyên liệu; có một số sản phẩm chế biến thô, rồi vận chuyển về các tỉnh, thành đặt trụ sở chính dán nhãn, tiêu thụ sản phẩm.

Đa phần các doanh nghiệp của tỉnh ta có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên khó cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường. Mặt khác, nhận thức của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đối với vai trò, ý nghĩa của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn những hạn chế, nên số lượng sản phẩm đăng ký cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn ít; chưa có chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu lâu dài.

Việc xây dựng thương hiệu giúp “định vị” và tạo danh tiếng cho sản phẩm hàng hóa. Ảnh: TH

 

Xây dựng thương hiệu nhằm “định vị” cho sản phẩm hàng hóa, mang lại niềm tin đối với người tiêu dùng; góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy sản xuất- kinh doanh. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa thì sự chủ động của các chủ thể sản xuất đóng vai trò quan trọng, bên cạnh đó tiếp tục cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền và các ngành có liên quan.    

Thùy Hương

Chuyên mục khác