Xây dựng thương hiệu: Doanh nghiệp cần chủ động

20/04/2019 06:24

Xây dựng thương hiệu, cạnh tranh bằng thương hiệu là xu thế tất yếu trong điều kiện nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Đây là việc cần thiết để thiết lập, quảng bá và duy trì hình ảnh của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỉnh ta dường như vẫn đang “bỏ quên” thương hiệu của mình.

Ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thương hiệu là công cụ hữu ích của doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp bảo vệ hợp pháp những đặc điểm hoặc hình thức đặc trưng riêng có của sản phẩm; tạo dựng được niềm tin của khách hàng. Việc xây dựng thương hiệu là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hiểu và chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá của mình và ngành Công thương phối hợp cùng với các ngành chức năng của tỉnh triển khai nhiều chương trình nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.

Với số lượng 3.700 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh; thời gian qua, ngành Công thương tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh nhằm tạo ra sự khác biệt, tạo dựng chỗ đứng trên thị trường và uy tín đối với người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp tỉnh ta đã từng bước xây dựng và phát triển được thương hiệu của mình và được ngành chức năng cấp bằng bảo hộ như: Rượu sim, Rượu gạo lúa đỏ Kon Plông, Cà phê Đăk Hà, Cà phê Dakmark, Rau hoa xứ lạnh Kon Plông...

Cà phê Sáu Nhung - một trong những sản phẩm đã có thương hiệu. Ảnh: TH

 

Đến nay, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp. Trong đó, có 94 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, 3 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 2 văn bằng bảo hộ sáng chế và 1 chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Điều này góp phần định vị và tạo danh tiếng cho sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đây là bước quan trọng trong tiến trình xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. 

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định.

Xét về mặt chủ quan, nhiều doanh nghiệp chưa thấy được giá trị gia tăng sản phẩm, lợi nhuận mà thương hiệu mang lại; chưa biết cách và cũng chưa thực sự quyết tâm trong việc xây dựng thương hiệu. Đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, số lượng hàng hoá không nhiều, thị trường tiêu thụ không rộng... nên không đủ khả năng để thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu có quy mô và lâu dài. Mặt khác, doanh nghiệp vẫn coi chi phí dành cho xây dựng thương hiệu là những chi phí đơn thuần chứ chưa coi đây là các khoản đầu tư mang tầm chiến lược cần phải có nên dễ cắt giảm trong quá trình điều chỉnh, tiết giảm kinh phí.

Khách quan nhìn nhận thì các doanh nghiệp nhỏ của tỉnh ta vừa nhỏ bé, vừa ra đời sau nên rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn đã có thương hiệu ở các nơi khác. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp chấp nhận làm vệ tinh hoặc gia công cho các doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước chứ không muốn dồn sức xây dựng thương hiệu riêng.

Theo ông Lê Như Nhất, thời gian này, ngành Công thương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, có thế mạnh gắn với vùng nguyên liệu địa phương như sản phẩm dược liệu, cà phê, mì... Thế nhưng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp không phải là chuyện có thể làm trong “ngày một ngày hai”; các doanh nghiệp cần xác định được lộ trình, chiến lược cụ thể phát triển thương hiệu cho đơn vị mình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với từng phân khúc thị trường, nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương hiệu sản phẩm.

Trong thời đại thương mại điện tử, hội nhập kinh tế hiện nay, việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là một tài sản vô hình của doanh nghiệp, nó không chỉ đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà nó còn thể hiện uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng cũng như niềm tin của người tiêu dùng dành cho sản phẩm của doanh nghiệp. Vì vậy, để duy trì và mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp cần phải chú trọng, chủ động hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu.

Thiên Hương

Chuyên mục khác