10/01/2019 13:00
Con đường vào thôn Tân Lập A ngày nào đầy bụi đất, nay được bê tông và láng nhựa. Trên nhiều nhà vườn, cây cối vẫn xanh tươi. Anh Vũ Ngọc Hà- Chủ nhân của trang trại 3ha cây ăn quả: ổi, sầu riêng, mít, bơ, cam... đang làm hồi sinh lại khu đất bạc màu trong vườn nhà.
Giới thiệu với chúng tôi về mô hình kinh tế vườn, anh Vũ Ngọc Hà bộc bạch: Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp trong xây dựng nông thôn mới, năm 2017, gia đình bỏ vốn đầu tư cải tạo vườn bằng các loại cây ăn quả, kết hợp với nuôi dê. Để cây trồng sinh trưởng tốt, gia đình đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây ăn quả.
|
Cây ăn quả trong vườn được chăm sóc bằng hệ thống tưới nước nhỏ giọt có hoà tan phân bón và nguồn phân hữu cơ (phân dê ủ hoai mục) bảo đảm đất đai tơi xốp, ẩm, nhiều dưỡng chất... nên lúc nào cũng xanh tốt.
Mặc dù vườn cây ăn quả mới được cải tạo, nhưng dường như cây nào cũng cho quả. Các loại cây trong vườn Vũ Ngọc Hà trồng là: ổi, cam, mít, sầu riêng... Anh Hà cho biết, ổi anh lấy cây giống từ thành phố Hà Nội. Cây ổi cho quả to, ruột trong, ít hạt và hạt nhỏ. Bổ quả ổi anh biếu ra ăn, tôi thấy ruột ổi chắc, thơm, ngọt và giòn. Bơ anh lấy giống booth, 034 từ Trung tâm Eakamat (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) có quả to, dài, cơm dày và ngon. Sầu riêng hạt lép, mít Thái Lan. Sầu riêng chưa đến tuổi cho quả, nhưng các cây mít Thái Lan mới trồng hơn một năm đã có quả treo lủng lẳng.
“Vườn mới được đầu tư và cải tạo, nhưng doanh thu từ kinh tế vườn năm 2018 trên 1 tỷ đồng”- không hề giấu giếm, anh Hà cho tôi biết.
Ngoài việc cải tạo vườn bằng các loại cây ăn quả và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Hà còn thuê đất trồng trên 6 ha môn sáp trong vườn cao su mới tái canh. Cây môn anh xuống giống trong vụ đông này đang lên xanh mơn mởn. Giống môn anh lấy từ tỉnh Gia Lai.
“Trồng và thâm canh theo quy trình kỹ thuật, môn đạt năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha. Trồng môn này để xuất khẩu và cung cấp cho các siêu thị. Dự kiến trong quý II/2019 gia đình mới thu hoạch, nhưng hiện nay có nhiều người dân ở xã Đăk Hring đặt mua môn giống”- anh Hà bộc bạch.
Cũng ở thôn Tân Lập A, ông Nguyễn Văn Sỹ cải tạo lại vườn bằng các loại cây ăn quả (chuối, mít, bơ...) và chuyên canh cà phê. Vườn cây ăn quả 2ha mới được đầu tư phát triển và 3ha cà phê kinh doanh cho ông doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Ở thôn Tân Lập B, ông Vũ Tiến Dũng trồng chanh, sầu riêng, ổi, bơ xen canh trong vườn cà phê 4 ha. Doanh thu từ trang trại của ông cũng đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Còn rất nhiều hộ gia đình khác cũng bứt phá lên từ kinh tế vườn mà trong khuôn khổ một bài báo tôi không thể kể hết.
Theo ông A Ban- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, để tạo nên những chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, phát triển cây trồng chiến lược, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Đăk Hring ban hành nghị quyết về việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường nông thôn. Và, việc chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
|
Cùng với những nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu khác trong xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, xã Đăk Hring đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí nông thôn mới xã đạt được là: quy hoạch, thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh.
Phong trào cải tạo vườn tạp trong xây dựng nông thôn mới tại xã Đăk Hring đang góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương.
Văn Nhiên