Xây dựng nông thôn mới ở xã Hiếu: Đột phá từ con trâu và cây cà phê xứ lạnh

09/06/2017 07:44

​Trong xây dựng nông thôn mới, xã Hiếu (huyện Kon Plông) xác định việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống là nhiệm vụ quan trọng. Để giúp dân nâng cao đời sống, xã xác định mũi đột phá phát triển cây cà phê xứ lạnh và chăn nuôi trâu.

Nỗ lực vượt khó

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hiếu tập trung huy động các nguồn lực, vận động người dân phát huy tinh thần làm chủ đóng góp công sức xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống.

Trao đổi về xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết, trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vận động người dân đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt cơ sở hạ tầng ở địa phương có những chuyển biến đáng kể. Theo thống kê, tính đến thời điểm này, xã có 23km trục đường liên xã, 22km đường thôn xóm và hơn 8km đường ngõ xóm được bê tông, láng nhựa đạt chuẩn. Hệ thống điện, trường đang từng bước được hoàn thiện theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, xã đã có 2 trường học và trạm y tế đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên lĩnh vực sản xuất, thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới và việc lồng ghép nguồn vốn từ  Chương trình 135, 30a, Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh…, hàng năm xã mở những lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ cây giống, máy tuốt lúa, máy cày… cho dân sản xuất. Từ việc hỗ trợ và chuyển giao này, người dân từng bước xóa bỏ tập quán canh tác cũ, ứng dụng giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cây cà phê ở xã Hiếu. Ảnh: V.N

 

Kết quả thực tế năm 2016 cho thấy, xã đã phát triển được 369ha lúa, 65ha bắp, hơn 200ha mì, 105ha cà phê (trong đó có hơn 30ha cà phê chè được trồng theo Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh), 13ha rau đậu các loại. Các loại giống lúa, bắp, mì cũ được thay bằng giống mới. Trong sản xuất, người dân cũng từng bước biết sử dụng phân bón để nâng cao năng suất cây trồng. Trong chăn nuôi, bà con biết làm chuồng trại giữ ấm cho trâu bò vào mùa đông. Ở xã, đàn trâu phát triển gần 1.800 con và đàn bò hơn 300 con.

Chương trình nông thôn mới đang thực sự tạo ra những chuyển biến tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Xác định mũi đột phá

Mặc dù sản xuất có nhiều chuyển biến, nhưng do xuất phát điểm thấp, vì vậy, thu nhập bình quân đầu người ở xã Hiếu hiện nay mới đạt gần 7 triệu đồng/năm và còn 570 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 77,2%. Đây là tỷ lệ khá cao và là nỗi niềm trăn trở của cán bộ và người dân ở địa phương.

Trong đợt giám sát của HĐND tỉnh gần cuối tháng 4/2017 vừa qua, khi nhìn thấy dư nợ từ các chương trình tín dụng chính sách tại xã Hiếu tính đến cuối năm 2016 quá thấp, chỉ 4,38 tỷ đồng với 271 khách hàng, nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân vươn lên trong cuộc chiến giảm nghèo, nhất là tạo điều kiện và hướng dẫn người dân vay vốn phát triển kinh tế như trồng cà phê, nuôi trâu… Bởi trên thực tế, cây cà phê và con trâu đang thực sự là hướng giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trong đợt giám sát tại xã Hiếu nhấn mạnh, phát triển cây cà phê xứ lạnh ở địa phương là nhằm khai thác tiềm năng giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống. Các ngành, các cấp chính quyền ở địa phương cần đẩy mạnh việc đo đạc, cấp quyền sử dụng đất và hướng dẫn quy trình kỹ thuật để người nghèo thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh.

Trâu được nuôi nhiều ở xã Hiếu. Ảnh: V.N

 

Xác định hướng đi, ông Hoàng Thanh Hải cho biết, trong những năm đến, xã tiếp tục huy động các nguồn lực chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, nhất là ưu tiên phát triển cây cà phê chè và chăn nuôi gia súc (trâu, bò) được xem là mũi đột phá giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống ở địa phương.

Mũi đột phá được xác định, vấn đề còn lại là quyết tâm của các cấp, các ngành ở địa phương trong việc giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống. Nếu mục tiêu này thành công sẽ kéo theo việc thực hiện có hiệu quả nhiều tiêu chí khác.                                     

Văn Nhiên

Chuyên mục khác