Xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Lây

15/01/2018 17:59

Ngọc Lây là địa phương được huyện Tu Mơ Rông chọn làm xã điểm trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù là xã đặc biệt khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn, Ngọc Lây đã đạt được nhiều tiêu chí nông thôn mới.

Sau cơn bão số 9/2009, nhiều người cho rằng, phải mất ít nhất hơn 10 năm nữa Ngọc Lây mới khôi phục lại kinh tế - xã hội như trước khi xảy ra bão. Thế nhưng, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới và sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án, đến nay, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống bà con nhân dân các thôn làng ở Ngọc Lây đã có nhiều đổi thay.

Từ chỗ trong sản xuất nông nghiệp ở Ngọc Lây chỉ có cây mì, cây bắp là chủ lực, đến nay người dân địa phương đã chuyển đổi sang trồng được gần 60ha cà phê. Những năm gần đây, nông dân còn đầu tư trồng hàng chục hécta cây dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh, đương quy.

Hệ thống nước sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ tại các thôn làng ở Ngọc Lây

 

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân đã từng bước được nâng lên (hiện ở mức bình quân 12 triệu đồng/người/năm). Nếu như năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của xã Ngọc Lây chiếm gần 74% thì đến năm 2017 giảm xuống còn 62,5%.

Ông A Kháp ở làng Đăk Kinh 1 phấn khởi: Trước đây, gia đình chỉ trồng mì, trồng bắp nên cuộc sống khó khăn lắm. 4 năm qua, nhờ được Nhà nước hỗ trợ trồng 3 sào cà phê xứ lạnh, mỗi năm nguồn thu của gia đình đã tăng thêm vài chục triệu đồng nên cuộc sống không còn chật vật vì cái nghèo nữa…     

Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây Nguyễn Minh Bình cho biết, mặc dù kết quả giảm nghèo ở Ngọc Lây có chuyển biến tích cực nhưng để xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí này vẫn còn nhiều khó khăn mà địa phương đang nỗ lực.

Xuất phát từ thực tế phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả trong thời gian qua, hiện nay, địa phương đang tiếp tục định hướng cho người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển thêm diện tích cây cà phê xứ lạnh; nỗ lực tìm kiếm đầu ra sản phẩm cây dược liệu để khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích.

Trong năm 2018, Ngọc Lây dự kiến phát triển thêm hơn 30ha cà phê xứ lạnh theo đăng ký của người dân. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, hy vọng những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này sẽ giúp người dân Ngọc Lây nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo – Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Bình chia sẻ.

Để nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Lây còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và các ban, ngành, đoàn thể của xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua các buổi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, sinh hoạt đoàn thể; vận động người dân chung tay góp sức dưới mọi hình thức trên cơ sở đóng góp tự nguyện của người dân nhằm tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2017, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp công sức của nhân dân, Ngọc Lây đã hoàn thành 3 tuyến đường nội thôn và đường dẫn vào khu sản xuất với tổng chiều dài hơn 3km (tuyến đường nội thôn Mô Gia dài 1,5km, tuyến đường dẫn vào khu sản xuất Đăk Kinh dài 900 m, tuyến đường đi vào khu sản xuất Tu Bung dài 500m), giúp xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn.

Theo thống kê của xã Ngọc Lây, tính đến nay, địa phương đã cơ bản đạt được 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: quy hoạch, trường học, điện, chợ, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tổ chức sản xuất, y tế, an ninh trật tự, cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa, bưu điện, giao thông nông thôn; các tiêu chí còn lại phấn đấu giai đoạn từ năm 2018-2020 hoàn thành.

So với mặt bằng chung của các xã trên địa bàn tỉnh thì việc đề ra mục tiêu kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 đưa Ngọc Lây về đích nông thôn mới sẽ rất là khó khăn đối với xã đặc biệt khó khăn này. Để tạo động lực cho Ngọc Lây phát triển, cần tiếp tục duy trì cơ chế chính sách đặc thù đầu tư đối với vùng đặc biệt khó khăn và có sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân trong vùng, nhất là các loại cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác