Xây dựng nông thôn mới ở Kon Rẫy

04/01/2019 06:44

​Trước thềm năm mới 2019, chúng tôi có dịp về thăm huyện Kon Rẫy. Đi trên Quốc lộ 24 đoạn từ xã Đăk Ruồng đến xã Tân Lập, đâu đâu chúng tôi cũng thấy một nông thôn miền núi khởi sắc với những ngôi nhà tầng kiến trúc hiện đại mọc lên xen lẫn những vườn đồi trĩu quả. Hỏi ra mới biết, đến nay, hai xã này đã triển khai thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nên dường như, mùa xuân năm nay đã đến sớm hơn trên quê hương Kon Rẫy.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tâm sự với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng của huyện này cho biết: Năm 2016, xã đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kể từ ngày đó đến nay, người dân trong xã luôn nỗ lực phấn đấu để giữ vững thành tích đã đạt được. Trong đó, người dân tiếp tục triển khai mô hình nuôi dê cho các nhóm hộ, mô hình trồng chuối, chuyển đổi giống mì cũ sang giống mới có năng suất cao từ 50-60 tấn/ha... Đặc biệt, Công ty CP Pococev Tây Nguyên - đơn vị sản xuất kinh doanh tinh bột sắn đứng chân trên địa bàn xã - đã đi vào hoạt động, giải quyết được hơn 50 lao động tại địa phương vào làm công nhân. Nhờ đó, người dân mở rộng diện tích trồng mì, nên năm nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 31 triệu đồng.

Dọc theo Quốc lộ 24, chúng tôi đến xã Tân Lập. Bà Nguyễn Thị Hòa - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là công việc chung của cả hệ thống chính trị, trong đó nhân dân là chủ thể của sự thành công, nên trong những năm qua, Đảng ủy xã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến cuối năm nay, thu nhập bình quân đạt 35,74 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 5,78% và đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đường trong thôn 7, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy đã được bê tông hóa

 

Nói đến công tác tuyên truyền, chúng ta không thể bỏ qua công tác tập hợp quần chúng của Mặt trận các cấp. Bà Đinh Thị Anh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Rẫy khẳng định: Trong năm qua, toàn huyện có 56/56 khu dân cư ở 7 xã, thị trấn đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến nay, toàn huyện có 4.975 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 72%; có 42 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt 75%; 100% thôn, làng có nhà rông và hội trường văn hóa. Tình làng, nghĩa xóm được phát huy, quy chế dân chủ được đảm bảo, khối đại đoàn kết được củng cố bền vững.

Huy động nhiều nguồn lực

Ông Võ Văn Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Kon Rẫy cho biết: Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Chỉ đạo thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện đã làm mới đạt chuẩn được 64,4km đường giao thông liên xã, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm, đạt tỷ lệ 100%; làm mới được 9,16km đường trục thôn làng và 32,46km đường liên thôn đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, đạt 78,85%; làm mới được 7,25km đường nội thôn, ngõ xóm, nâng số ki lô mét đường sạch và không lầy lội vào mùa mưa lên 17,75km, đạt 85,7%; làm mới thêm được 18,4km đường trục chính nội đồng, nâng số ki lô mét đường được cứng hóa xe cơ giới đi được đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm lên 36,2km, đạt 26,43% so với tổng số ki lô mét đường trục chính nội đồng trong toàn huyện.

Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được tưới và tiêu nước chủ động ở các xã cơ bản đạt 80% trở lên. Hiện, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi, có 10/23 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 43,5%; chỉ còn 71 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát, chiếm tỷ lệ 1,3% tổng số hộ của huyện. Tổng thu nhập bình quân đầu người/năm ở khu vực nông thôn trên địa bàn là 16,85 triệu đồng, tăng thêm 2,34 triệu đồng so với cuối năm 2017.

Điều quan trọng là năm qua, UBND huyện đã huy động các nguồn kinh phí để tập trung đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được 47,502 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 9,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 3,489 tỷ đồng, vốn lồng ghép 33,375 tỷ đồng và vốn huy động dân đóng góp 1,238 tỷ đồng.

Với những nỗ lực huy động các nguồn lực về vật chất và tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên địa bàn, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ngoài 2 xã Đăk Ruồng và Tân Lập đã về đích xây dựng nông thôn mới, Kon Rẫy quyết tâm phấn đấu đầu tư xây dựng 2 xã: Đăk Tờ Re và Đăk Tờ Lung đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới. Đó vừa là kế hoạch, vừa là mục tiêu, động lực đặt ra để cùng nhau thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.

Bài và ảnh: Nguyên Hà

Chuyên mục khác