Xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới: Cùng chung sức, đồng lòng

28/12/2016 09:12

​Với đặc thù và khó khăn của các xã biên giới, việc huy động sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Nhưng nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng biên này đã có những tín hiệu đáng mừng…

Kể từ khi công cuộc xây dựng nông thôn mới được khởi xướng, vai trò của các cấp, ngành, trong đó Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò chủ đạo, đã được phát huy đáng kể. Mặt trận và các đoàn thể, đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa đi những định kiến bảo thủ, tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều hình thức tuyên truyền được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các buổi hội họp ở thôn, làng… nên đã tạo được những chuyển biến đáng kể của người dân ở vùng biên trong nhận thức về nông thôn mới.

Với chủ trương “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ đội Biên phòng trở thành lực lượng đắc lực giúp các xã biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, mà đây là chính là những mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới hướng tới.

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn biên giới hiểu rõ mục tiêu của việc xây dựng nông thôn mới hướng đến.

Công tác tuyên truyền này được lồng ghép đa dạng trong các hội nghị, tập huấn, các phương tiện truyền thông như đài truyền thanh nội bộ ở xã, báo chí, các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt đoàn thể…

Bộ đội Biên phòng giúp nhân dân xã Đăk Nhong xây dựng nhà. Ảnh: D.Đ.N

 

Riêng các đồn Biên phòng, công tác tuyên truyền vận động giúp dân nhằm làm cho người dân thấy được những lợi ích mà chính người dân là đối tượng thụ hưởng, từ đó tự nguyện, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới được chú trọng đúng mực và giao nhiệm vụ cho các đội công tác địa bàn chuyên trách thực hiện.

Nói về vai trò của Bộ đội Biên phòng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới, Đại tá Lê Minh Chính - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chia sẻ: Ngay từ năm 2012, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo Bộ đội Biên phòng “chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt chỉ đạo các đơn vị, đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh… của từng xã để đối chiếu với từng tiêu chí của nông thôn mới để có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện.

Sau khi triển khai, với phương châm vừa giúp dân, vừa tuyên truyền, vận động, Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp hoặc cùng phối hợp với các xã biên giới triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực biên giới; cụ thể như: mô hình trồng bời lời, sâm dây, cao su tiểu điền, bò sinh sản…

Các mô hình này bước đầu đã có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới. Đây chính là “nền tảng” ban đầu để tạo “lực đẩy” trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới.

A Đinh - Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, ngoài nỗ lực của quân và dân xã Rờ Kơi, còn có lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp, tham mưu giúp xã các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới. Đồn Biên phòng Rờ Kơi đã phân công cán bộ, chiến sĩ về từng thôn, làng để cùng sinh hoạt cấp ủy, nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của từng hộ dân trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, để kịp thời bàn bạc, tham mưu cho xã hoặc có kế hoạch giúp dân…

Bộ đội Biên phòng tham gia nạo vét kênh mương giúp dân vùng biên giới. Ảnh: D.Đ.N

 

Trong những năm qua, chính từ việc kiên trì bám dân, bám thôn, làng mà Bộ đội Biên phòng đã vận động nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động; vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước ở thôn, làng, đẩy lùi các tư tưởng bảo thủ, mê tín dị đoan, những hủ tục… giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, đã góp phần nhân rộng các mô hình kinh tế, văn hóa tiêu biểu, cách làm mới, sáng tạo, hình thành dần những tập quán mới văn hóa, văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương tại các thôn làng vùng biên giới…

Qua tìm hiểu được biết, trong lĩnh vực giúp dân phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng đã triển khai được 11 mô hình tại các xã biên giới như mô hình bò sinh sản tại xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), từ 5 con ban đầu nay đã phát triển lên tới 56 con; mô hình trồng sâm dây, sa nhân tại xã Đăk Blô, Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei); mô hình trồng rau xanh ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi); mô hình trồng lúa nước hai vụ ở xã Rờ Kơi, Mô Rai (huyện Sa Thầy), xã Đăk Nhoong…

Ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện biên giới Sa Thầy chia sẻ: Có thể khẳng định, vai trò các cấp, các ngành là yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới. Trong đó vai trò của Bộ đội Biên phòng là không thể thiếu trong việc tham gia vào hệ thống chính trị của xã, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xã; giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng đã giúp dân triển khai nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm để tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng cũng phản ánh kịp thời cho huyện những bất cập trong phát triển kinh tế- xã hội cũng như trong công cuộc xây dựng nông thôn mới để huyện kịp thời điều chỉnh…

Đặc biệt, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới xây dựng nghị quyết, kế hoạch, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh cũng như củng cố tổ chức lực lượng công an, dân quân ở các xã biên giới đảm bảo biên chế, có chất lượng. Bộ đội Biên phòng còn phối hợp với các xã biên giới duy trì tốt phong trào “tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng khu vực biên giới”. Qua đó đã tham mưu thành lập 147 tổ hòa giải, 139 tổ an ninh ở các thôn, hoạt động có hiệu quả, giúp chính quyền các xã giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới cũng như trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Với điểm xuất phát ban đầu thấp, các xã biên giới còn nhiều khó khăn để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng tin rằng, với sự phối hợp của các ban, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng biên sẽ sớm thành hiện thực.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác