Xây dựng nông thôn mới - Những điểm nhìn từ thực tiễn

05/10/2018 07:04

Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung thực hiện cho giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây.

Kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần tạo ra những “điểm sáng” trên địa bàn tỉnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa, giáo dục, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tạo ra môi trường lao động sản xuất và không gian sống cho người dân tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần.

Có thể nói, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được thành tựu nhất định. Nhận thức và hành động về xây dựng nông thôn mới của các địa phương là lấy 19 tiêu chí là mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới.

Đường về thôn Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà). Ảnh: D.L

 

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, các địa phương tập trung huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, rất chú trọng huy động các nguồn vốn khác, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân, như đóng góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền của...

Riêng trong năm 2017, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình này là 149,083 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 127,010 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 7,446 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện 8,669 tỷ đồng; vốn huy động khác và nhân dân đóng góp 1,664 tỷ đồng; nguồn vốn năm trước chuyển qua 4,294 tỷ đồng.

Thông qua quá trình đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao thương và phát triển sản xuất. Đến nay toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.  

Nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, trong thời gian qua tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”; đẩy mạnh việc xây dựng và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Đến nay đã có 10/10 huyện, thành phố tổ chức lễ phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 86/86 xã đăng ký xây dựng  xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; triển khai thực hiện Đề án truyền thông  phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó chú trọng tập trung thực hiện nội dung xây dựng văn hóa nông thôn mới và thực hiện các tiêu chí về  phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, thôn và phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào như xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa… ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thay đổi bộ mặt văn hóa nông thôn, nâng cao nhận thức của nhân dân và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Song, đó mới là kết quả bước đầu, còn nhiều “điểm nghẽn” và thách thức mới mà các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần nỗ lực vượt qua để có thể xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn hạn chế nên tiến độ, kết quả thực hiện còn chậm. Phần lớn các hộ dân vùng nông thôn có đời sống, kinh tế còn nhiều khó khăn, nên việc huy động nhân dân đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt thấp, việc thực hiện các tiêu chí mang tính xã hội còn chậm...

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thì đằng sau niềm vui là còn đó những nỗi lo, trăn trở của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương như nợ đọng xây dựng nông thôn mới; làm thế nào để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí; giữ gìn không gian nông thôn truyền thống; sử dụng hiệu quả những công trình như nhà văn hoá, chợ... cũng như việc duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Ngọc Tuấn xác định, cùng với những chính sách của Trung ương, những chính sách riêng của tỉnh như Kế hoạch số 87/KH-BCĐ ngày 12/5/2017 của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm 2018. Hầu hết các địa phương đã đồng loạt tổ chức lễ phát động ra quân xây dựng nông thôn mới đầu năm. Nhưng trong thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đối với các xã điểm, đảm bảo các xã thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình. Tỉnh xác định việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân là khâu trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện công tác dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được xem là một bước ngoặt lớn, nhưng để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí mới là vấn đề lâu dài và đảm bảo cho sự phát triển bền vững nhất là khi có các tiêu chí biến động do sự phát triển đi lên của xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chung tay giữ vững các tiêu chí, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống lành mạnh, văn minh vùng nông thôn...

                                                                 Dương Lê

Chuyên mục khác