09/04/2018 18:00
Gần 5 năm qua, kể từ khi xã đầu tiên- xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục có nhiều xã trong tỉnh cố gắng vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhiều địa phương đã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần để tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, từng làng, từng hộ dân có thể tự làm được, tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo; xây dựng hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm y tế…
|
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 04 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 21 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 42 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 06 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 10 tiêu chí/xã. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, năm 2017, một số tiêu chí được áp dụng theo quy định mới, như tiêu chí số 10 về thu nhập (mức thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 25 triệu đồng, năm 2017 là 31 triệu đồng/người/năm); tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa có cao hơn; tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất (yêu cầu phải có hợp tác xã và có mô hình liên kết sản xuất; tiêu chí số 15 về y tế (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 57% lên 85%)…
Đặc biệt, đối với các xã đã đạt chuẩn từ các năm trước, có nhiều xã so với bộ tiêu chí mới thì có một số xã vẫn chưa đạt chuẩn, như thành phố Kon Tum có xã Đoàn Kết có 18/19 tiêu chí đạt chuẩn; xã Hòa Bình có 16/19 tiêu chí đạt chuẩn; xã Ia Chim có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn; xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) có 18/19 tiêu chí đạt chuẩn; xã Đăk La (huyện Đăk Hà) có 18/19 tiêu chí đạt chuẩn; xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) có 18/19 tiêu chí đạt chuẩn.
|
Theo ông Nguyễn Trung Hải- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn hạn chế nên tiến độ, kết quả thực hiện còn chậm; đa số các hộ dân vùng nông thôn có đời sống, kinh tế còn nhiều khó khăn, nên việc huy động nhân dân đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt thấp; việc thực hiện các tiêu chí mang tính xã hội còn chậm... Một bộ phận nông dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn có phương thức sản xuất chưa tiên tiến, chưa có điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; việc tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa đạt yêu cầu. Để xây dựng nông thôn mới phát triển ổn định, hướng tới sự bền vững, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất tăng thu nhập người dân là khâu trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện công tác dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn. Một số mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nhân rộng, như: mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng; mô hình phát triển cây dược liệu...Tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, theo nguyên tắc thị trường, trong đó chú trọng đầu tư các nhóm ngành chủ lực, trọng điểm, những địa phương có thế mạnh, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ cao gắn với phát triển mỗi xã một sản phẩm, để nâng cao đời sống của người dân. Song song đó là nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, văn hóa trên địa bàn nông thôn; chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn bền vững; xây dựng nông thôn văn minh, tiến bộ; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội…
Cũng theo ông Nguyễn Trung Hải, trong thực tiễn quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và các tiêu chí xã hội…Vì vậy, các ngành, các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công cần xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Vai trò của cấp ủy và chính quyền địa phương là hết sức quan trọng và cần phải triển khai thường xuyên, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chủ động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng, tập trung phát huy nội lực từ nhân dân để cùng đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Box: Năm 2018, tỉnh phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm 03 xã thuộc lộ trình năm 2017 chuyển qua hoàn thành trong năm 2018 và 05 xã mục tiêu hoàn thành trong năm 2018. Đối với các xã còn lại phải đạt được ít nhất từ 01 đến 02 tiêu chí.
Bài, ảnh: Dương Lê