Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững

21/07/2023 06:07

Kế thừa những kết quả đạt được giai đoạn 2010-2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM với những mục tiêu cao hơn.

Xác định công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức là hết sức quan trọng, các ngành, địa phương và mặt trận đoàn thể tăng cường tuyên truyền về công tác xây dựng NTM, đặc biệt, chú trọng lan tỏa phong trào “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chủ trương xây dựng NTM.

Chương trình xây dựng NTM đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Ảnh: TH

 

Trên cơ sở nguồn vốn được Trung ương giao, tỉnh tiến hành cân đối, phân bổ cho các huyện, thành phố trên địa bàn; đồng thời, giao chỉ tiêu lồng ghép và huy động các nguồn lực cho từng địa phương để đảm bảo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn; tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, các huyện, thành phố đã thực hiện giải ngân được trên 181 tỷ đồng, đạt 59,46% kế hoạch Trung ương giao; cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương được 370,26 tỷ đồng, đạt 121,6% mục tiêu đề ra; huy động nguồn vốn tín dụng là 211,24 tỷ đồng.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với các phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Do đó, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 66,8 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi đa mục tiêu, thiết chế văn hoá cơ sở...

Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh đã có 42/85 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân toàn tỉnh đạt 15,32 tiêu chí/xã; có 10 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 19 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn, biên giới đạt chuẩn NTM mới.

Kết cấu hạ tầng NTM từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các vùng nông thôn. Đến nay,100% số xã có đường ô tô đến trụ sở xã được nhựa hoá hoặc bê tông hóa, 100% đường trục thôn đảm bảo đi lại thuận lợi quanh năm; 100% thôn có điện sinh hoạt, hệ thống điện đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật; hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp học được nâng cao với 192 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Hệ thống điện lưới được quan tâm đầu tư. Ảnh: T.H

 

Theo kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, toàn tỉnh hiện có 68/85 xã đạt tiêu chí về giao thông; 84/85 xã đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi và phòng chống thiên tai; 85/85 xã đạt chuẩn tiêu chí về điện; 64/85 xã đạt chuẩn tiêu chí về trường học; 81/85 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 85/85 xã đạt chuẩn tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn; 72/85 xã đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông; 43/85 xã đã đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập; 68/85 xã đạt tiêu chí về lao động; 53/85 xã đạt chuẩn tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 42/85 xã đạt chuẩn về nghèo đa chiều...

Theo kế hoạch xây dựng NTM năm 2023, tỉnh ta đặt ra mục tiêu, đến hết tháng 12/2023, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn xã NTM (chiếm 70,5% số xã), trong đó, có 20 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn huyện NTM và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Do đó, trong giai đoạn này, các địa phương của tỉnh đang tập trung triển khai lập đồ án quy hoạch chung xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2030, gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đảm bảo việc xây dựng NTM theo quy hoạch, nâng cao đời sống kinh tế- xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách và huy động tối đa các nguồn đóng góp của nhân dân; tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí; duy trì đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn.

Việc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững là hướng đi đúng, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Với những gì đã đạt được cùng nhiều giải pháp thiết thực, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, đưa kinh tế nông nghiệp- nông thôn và đời sống nhân dân khu vực nông thôn phát triển nhanh, bền vững và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác