Xây dựng nông thôn mới cần bảo đảm tính bền vững

21/07/2018 08:33

Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần có được cải thiện.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình xây dựng nông thôn mới xuất hiện những yếu tố thiếu tính bền vững, chất lượng nông thôn mới ở một số địa phương chưa cao. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng và chưa có sự gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của HTX, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ. Vấn đề giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chưa cao…

Có thể nói việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân là yếu tố tiên quyết nhằm đảm bảo tính bền vững trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối, mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng, mô hình sản xuất rau sạch, mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng, mô hình phát triển cây dược liệu... nhưng chưa tạo được sự phát triển vượt trội.

Người dân xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi tham gia xây dựng kênh mương. Ảnh: D.L

 

Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, phát triển các mô hình kinh tế có quy mô lớn.

Nhiều xã dù có quan tâm nhiều đến các tiêu chí về đời sống người dân, nhưng chưa có giải pháp căn cơ để phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nâng cao mức thu nhập cho người lao động; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn…

Thông qua kiểm tra, giám sát tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ các năm trước (19/19 tiêu chí), cơ quan chức năng phát hiện một số tiêu chí không đạt; đồng thời, qua thống kê mức độ đạt ở một số nhóm tiêu chí còn thấp. Một số tiêu chí mặc dù năm 2016 đã đạt chuẩn nhưng áp theo quy định tiêu chí mới thực hiện từ năm 2017 lại không đạt chuẩn như tiêu chí số 10 về thu nhập (mức thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn so với năm 2016 thì mới đạt chuẩn (năm 2017 là 31 triệu đồng); tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất (yêu cầu phải có hợp tác xã và có mô hình liên kết sản xuấ)t; tiêu chí số 15 về y tế (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 57% lên 85%), tiêu chí về môi trường...

Thực trạng trên đặt ra nhiều lo lắng về tính thực chất, bền vững của phong trào đối với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới.  

Theo đánh giá của ông Hồ Đà - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đến ngày 30/6/2018, toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (có 3 xã chậm: xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) và xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) so với mục tiêu của Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020.

Tính đến thời điểm trên, đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn, chỉ có 3 xã đạt 16 tiêu chí, 3 xã đạt 14 tiêu chí và 67 xã còn lại đạt từ 3 đến 13 tiêu chí. Việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là khó khả thi. Vì vậy, cần có các cơ chế thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích huy động các nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới.

 Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình thực hiện các tiêu chí. Từ đó, xây dựng lộ trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo tiến độ của Đề án. Đồng thời, việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.

Theo ông Trịnh Văn Sơn - cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh, trong thời gian tới, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ gắn kết chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, Văn phòng Điều phối tham mưu UBND tỉnh tập trung rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới mang yếu tố thực chất; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; xác định nông thôn mới là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững.

Dương Lê

Chuyên mục khác