Xây dựng niềm tin hàng Việt

11/12/2016 09:25

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường nông thôn; đồng thời cũng là dịp để người dân nông thôn có cơ hội mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp.

Ông Võ Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Chỉ tính riêng năm 2016, đơn vị đã phối hợp với các huyện, các doanh nghiệp tổ chức 19 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức 3 phiên chợ bán hàng Việt đến khu vực biên giới Ngọc Hồi và Đăk Glei. Hàng hóa tham gia của doanh nghiệp phong phú và đa dạng được sản xuất trong nước như cà phê, đồ gỗ mỹ nghệ, quần áo, giày dép, dầu ăn, bột ngọt, xà phòng, nước rửa chén, mì tôm...

Theo ông Sơn, các phiên chợ tại vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa là cơ hội mua sắm của nhân dân trên địa bàn nông thôn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường vùng sâu, vùng xa, tăng thị phần cung cấp hàng hóa, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, tập quán tiêu dùng, qua đó cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm với giá thành hợp lý phục vụ khách hàng.

Gian trưng bày sản phẩm sản xuất trong tỉnh tại phiên chợ biên giới Ngọc Hồi. Ảnh: L.S

 

Tham gia các phiên chợ hàng Việt, nhiều công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã tích cực triển khai hưởng ứng chương trình, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực phân phối thương mại. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cung ứng nguồn hàng, kho bãi, phương tiện vận chuyển, đội ngũ nhân viên bán hàng, hình thức tuyên truyền, tiếp cận thị trường, xây dựng các điểm bán hàng cố định.

Mặc dù sức mua của nhân dân vùng sâu, vùng xa còn yếu, nhưng các doanh nghiệp vẫn kiên trì bám điểm bán, tăng tần suất chuyến hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp bỏ thêm kinh phí để thực hiện các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, không nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như Công ty CP TMTH Kon Tum, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Anh Thi, Siêu thị Thành Nghĩa Kon Tum…

Theo các doanh nghiệp, mục tiêu khi tham gia bán hàng tại các phiên chợ hàng Việt là nhằm quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; đặc biệt là mang đến cho người dân nông thôn cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng Việt với giá cả phù hợp và tiếp cận với các mặt hàng Việt phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, có giá cả phù hợp với thu nhập của người dân, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt về nông thôn.

Báo cáo của Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Thương mại và Tư vấn công nghiệp Kon Tum cho thấy, bên cạnh những sản phẩm của các doanh nghiệp lớn có uy tín, có thương hiệu trên thị trường, các mặt hàng sản xuất trong tỉnh như cà phê Đăk Hà, rượu sim Măng Đen, sâm Ngọc Linh tham gia trưng bày tại các hội chợ hàng Việt cũng gây nhiều chú ý đến người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có sản phẩm này đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, thiết lập kênh phân phối, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến công nghệ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, niềm tin hàng Việt đang tăng cao. Cùng với Sở Công thương, các địa phương, các ngành chức năng trong tỉnh cũng thường xuyên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường đưa hàng Việt chất lượng cao về thị trường nông thôn, tạo sự an tâm tuyệt đối với người tiêu dùng. Và các phiên chợ hàng Việt đã thật sự trở thành “cầu nối” hàng Việt với người dân nông thôn.

Dương Lê

 

   
 

Chuyên mục khác