Xây dựng niềm tin để người tiêu dùng tự giác dùng hàng Việt

20/05/2019 13:00

Sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong tỉnh có xu hướng sử dụng các hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở mức độ khơi dậy tình cảm, “tự tôn dân tộc” thì chưa đủ để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ nhằm đem lại hiệu quả cao của cuộc vận động, đã đến lúc các nhà sản xuất và kinh doanh chính bằng nội lực của mình, cần tạo ra bước đột phá để người tiêu dùng đặt niềm tin, tự giác lựa chọn và sử dụng hàng Việt.

Kể từ năm 2009, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động và các cấp, các ngành nhanh chóng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên lựa chọn hàng Việt, triển khai các hoạt động đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Tại tỉnh ta, việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ, các phong trào thi đua của các đoàn thể, tuyên truyền trên Báo Kon Tum, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn qua các phiên chợ hàng Việt, các chuyến bán hàng Việt lưu động, bán hàng bình ổn giá... Qua đó, đã tạo điều kiện để người dân mua sắm hàng Việt có chất lượng với giá cả hợp lý, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt.

Từ những việc làm thiết thực, người tiêu dùng ngày càng hiểu và thay đổi ý thức tiêu dùng, người dân sử dụng các loại hàng hoá, dịch vụ trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý ngày càng nhiều hơn, thay vì dùng hàng ngoại nhập. Đây là thực tế đáng mừng, bởi bên cạnh việc tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, còn cho thấy các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đúng mức đến thị trường tiêu thụ trong nước, tích cực cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Các mặt hàng đặc sản của tỉnh được nhiều người tiêu dùng chọn mua. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra tràn lan trên thị trường; trong khi đó, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá còn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức... Thế nên, chỗ đứng của hàng Việt tại thị trường trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa thực sự vững chắc.

Để người Việt thực sự tin tưởng, tự nguyện mua hàng Việt thì chỉ khi hàng nội phải chất lượng hơn hoặc ít nhất cũng ở thế ngang bằng với hàng ngoại, lúc đó người tiêu dùng mới ưu tiên sử dụng hàng Việt. Đây chính là việc của nhà sản xuất trong nước, trong đó có các doanh nghiệp của tỉnh ta cần hướng đến và là yếu tố cốt lõi để các doanh nghiệp không ngừng cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành xuống mức thấp nhất...

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn đến việc phát triển kênh, hệ thống phân phối để đưa hàng Việt phủ sóng rộng rãi ở vùng nông thôn, nhất là mạng lưới phân phối, tiêu thụ truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ.

Đặc biệt, ở tỉnh ta, nhiều nơi việc đưa hàng hoá đến với người dân nông thôn còn khó khăn do địa hình phức tạp, giao thông chưa thuận lợi..., việc làm trên càng cần thiết. Bởi lâu nay, các nhà sản xuất, kinh doanh hầu như vẫn còn “bỏ quên” thị trường rộng lớn này nên người dân nhiều nơi dù muốn cũng khó có thể tiếp cận, hiểu và tin dùng hàng Việt. Trong khi đó, các gian thương lại luôn tìm cách đưa các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng ngoại giá rẻ đội lốt hàng Việt đến các vùng quê để tiêu thụ khiến người dân nhầm lẫn, mất niềm tin về hàng Việt và đắn đo khi tiếp cận với hàng “made in Vietnam” thật sự.

Chỉ khi doanh nghiệp vì người tiêu dùng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với hàng hóa được sản xuất trong nước hay nói đúng hơn, người dân mới thấy tự hào, rồi tự nguyện, tự giác và cao hơn là thôi thúc muốn dùng hàng Việt thay vì chỉ là “ưu tiên” theo kiểu tình cảm.

Cùng với ý thức của mỗi người tiêu dùng, trách nhiệm của các doanh nghiệp thì các ngành chức năng, trong đó, Sở Công thương với vai trò là “bà đỡ” của doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trong nước và của tỉnh ta để hàng hoá từng bước chiếm lĩnh thị trường. Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm soát thị trường cũng cần được chú trọng hơn nữa để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng.

Có thể nói, khi nhà doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng cùng đồng hành thì khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao. Hàng Việt mới thực sự trở thành niềm tự hào, sự tự nguyện của mỗi người tiêu dùng khi sử dụng hàng hoá mang thương hiệu Việt.

Tỉnh ta phấn đấu, đến năm 2020 có trên 70% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 90%...TH

 

Thiên Hương

Chuyên mục khác